Khách trốn vé thì thuyền trưởng xử lý như thế nào? Hành khách bị chết thì người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường không?
- Hành khách trốn vé thì thuyền trưởng xử lý như thế nào?
- Hành khách bị chết thì người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường không?
- Quá trình vận chuyển hành khách bằng đường biển bắt đầu từ lúc nào?
- Tàu thuyền chở khách không có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính còn hiệu lực theo quy định bị xử phạt như thế nào?
Hành khách trốn vé thì thuyền trưởng xử lý như thế nào?
Theo Điều 206 Bộ luật Hàng hải Việt nam 2015 quy định về xử lý đối với hành khách lậu vé như sau:
- Hành khách lậu vé là người đã trốn lên tàu biển khi tàu ở trong cảng hoặc địa điểm thuộc phạm vi cảng mà không được sự đồng ý của người vận chuyển, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm của tàu và vẫn ở trên tàu sau khi tàu đã rời cảng hoặc địa điểm thuộc phạm vi cảng.
- Hành khách lậu vé có nghĩa vụ trả đủ tiền công vận chuyển cho quãng đường đã đi và một khoản tiền phạt bằng số tiền công vận chuyển phải trả này.
- Thuyền trưởng có quyền đưa hành khách lậu vé lên bờ hoặc chuyển sang một tàu khác để đưa về cảng nơi hành khách đó đã lên tàu và phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tên, tuổi, quốc tịch của hành khách lậu vé, nơi hành khách lên tàu và trốn trên tàu.
- Trường hợp hành khách lậu vé được chấp nhận cho đi tiếp quãng đường còn lại thì phải mua vé và có quyền, nghĩa vụ như những hành khách khác.
Trường hợp hàng khách trốn vé được hiểu là hàng khách lậu vé. Theo đó, hàng khách trốn vé phải trả đủ tiền vé cho quãng đường đã đi và một khoản tiền phạt bằng số tiền công vận chuyển này.
Vận chuyển hành khách bằng tàu biển
Hành khách bị chết thì người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường không?
Tại Điều 207 Bộ luật Hàng hải Việt nam 2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển như sau:
- Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành khách chết, bị thương hoặc tổn hại khác về sức khỏe và mất mát, hư hỏng hành lý, nếu sự cố gây thiệt hại xảy ra trong quá trình vận chuyển do lỗi của người vận chuyển, người làm công, đại lý của người vận chuyển gây ra trong phạm vi công việc được giao.
Lỗi của người vận chuyển, người làm công, đại lý của người vận chuyển được coi là đương nhiên, trừ trường hợp chứng minh được rằng hành khách chết, bị thương hoặc tổn hại khác về sức khỏe và mất mát, hư hỏng hành lý xách tay xảy ra do sự cố đâm va, chìm đắm, phá hủy, mắc cạn, nổ, cháy, khuyết tật hoặc khuyết tật ẩn tỳ của tàu biển.
Lỗi của người vận chuyển, người làm công, đại lý của người vận chuyển được coi là đương nhiên, trừ trường hợp chứng minh được rằng mất mát, hư hỏng các loại hành lý khác không phụ thuộc nguyên nhân gây ra mất mát, hư hỏng đó.
Trong các trường hợp khác, trách nhiệm chứng minh lỗi thuộc về người khiếu nại.
- Trách nhiệm chứng minh thiệt hại và mức độ tổn thất, thiệt hại xảy ra do sự cố đâm va, chìm đắm, phá huỷ, mắc cạn, nổ, cháy hoặc khuyết tật của tàu biển trong quá trình vận chuyển thuộc về người khiếu nại.
Như vậy, người vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành khách chết nếu sự cố gây thiệt hại xảy ra trong quá trình vận chuyển do lỗi của người vận chuyển, người làm công, đại lý của người vận chuyển gây ra trong phạm vi công việc được giao. Lỗi của người vận chuyển, người làm công, đại lý của người vận chuyển được coi là đương nhiên, trừ trường hợp chứng minh được rằng hành khách chết do sự cố đâm va, chìm đắm, phá hủy, mắc cạn, nổ, cháy tàu biển.
Quá trình vận chuyển hành khách bằng đường biển bắt đầu từ lúc nào?
Điều 208 Bộ luật Hàng hải Việt nam 2015 quy định quá trình vận chuyển hành khách và hành lý như sau:
- Quá trình vận chuyển hành khách bằng đường biển bắt đầu từ khi hành khách lên tàu biển và chấm dứt khi hành khách rời tàu, bao gồm cả việc vận chuyển hành khách từ đất liền ra tàu và ngược lại, nếu những chi phí vận chuyển đó đã được tính trong tiền vé đi tàu.
- Quá trình vận chuyển hành lý xách tay của hành khách quy định tương tự khoản 1 Điều này. Quá trình vận chuyển hành lý, trừ hành lý xách tay bắt đầu từ khi người vận chuyển, người làm công, đại lý của người vận chuyển nhận hành lý tại cảng nhận khách và chấm dứt khi trả hành lý cho hành khách tại cảng trả khách.
Như vậy, quá trình vận chuyển hành khách bằng đường biển bắt đầu từ khi hành khách lên tàu biển và chấm dứt khi hành khách rời tàu, bao gồm cả việc vận chuyển hành khách từ đất liền ra tàu và ngược lại, nếu những chi phí vận chuyển đó đã được tính trong tiền vé đi tàu.
Tàu thuyền chở khách không có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính còn hiệu lực theo quy định bị xử phạt như thế nào?
Khoản 4 Điều 32 Nghị định 142/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
"4. Đối với hành vi không có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính còn hiệu lực theo quy định đối với tàu thuyền chở khách, chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác sẽ bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách dưới 50 người; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích dưới 200 GT;
b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 50 người đến dưới 100 người; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích từ 200 GT đến dưới 500 GT;
c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 100 người đến dưới 300 người; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;
d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 300 người trở lên; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên."
Theo đó, tàu thuyền chở khách không có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính còn hiệu lực theo quy định bị xử phạt từ 15 - 100 triệu đồng tùy theo số lượng hành khách. Tuy nhiên, đây chỉ là mức phạt đối với cá nhân, còn đối với tổ chức mức phạt sẽ nhân đôi (Điều 5 Nghị định 142/2017/NĐ-CP).
Phạm Tiến Đạt
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vận chuyển hành khách có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?