Khi nào Công ty Mua bán nợ Việt Nam thực hiện hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản? Việc mua nợ và tài sản của Công ty này được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Đối tượng trong hoạt động tiếp nhận, mua nợ và tài sản của Công ty Mua bán nợ Việt Nam là gì?
Hoạt động tiếp nhận, mua nợ và tài sản của Công ty Mua bán nợ Việt Nam
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 42/2021/TT-BTC (sau đây gọi tắt là Điều lệ Công ty Mua bán nợ Việt Nam), Công ty Mua bán nợ Việt Nam thực hiện hoạt động tiếp nhận và mua đối với những loại nợ và tài sản sau:
- Tiếp nhận nợ và tài sản, bao gồm nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ; nợ phải thu và các tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư, khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước theo quy định tại Nghị định 129/2020/NĐ-CP .
- Mua nợ và tài sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ) của các tổ chức và cá nhân.
Khi nào Công ty Mua bán nợ Việt Nam có nghĩa vụ tiếp nhận nợ và tài sản?
Hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản của Công ty Mua bán nợ Việt Nam được thực hiện theo quy định trong những trường hợp sau:
(1) Tiếp nhận nợ và tài sản theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Điều 11 Nghị định 129/2020/NĐ-CP:
- Các khoản nợ và tài sản bàn giao, tiếp nhận phải đảm bảo có đủ hồ sơ, có hiện vật (đối với tài sản). Trường hợp nợ và tài sản không có đủ hồ sơ, không còn hiện vật thì Công ty Mua bán nợ Việt Nam có văn bản gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thông báo lý do không tiếp nhận để doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục quản lý, theo dõi hoặc xử lý theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Việc bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản được thực hiện theo quy định pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập.
(2) Tiếp nhận nợ và tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 129/2020/NĐ-CP:
- Tiếp nhận nợ phải thu và tài sản:
Công ty Mua bán nợ Việt Nam, cơ quan đại diện chủ sở hữu và tổ chức có nợ và tài sản bàn giao thực hiện bàn giao, tiếp nhận để xử lý nợ phải thu, tài sản như đối với nợ, tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu và phù hợp với văn bản chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp nhận các tài sản khác:
+ Công ty Mua bán nợ Việt Nam thực hiện tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư, khai thác hoặc xử lý thu hồi vốn cho Nhà nước;
+ Đối tượng, điều kiện tiếp nhận, bàn giao theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Hoạt động mua nợ và tài sản của Công ty Mua bán nợ Việt Nam được thực hiện theo hình thức nào?
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 129/2020/NĐ-CP, hoạt động mua nợ và tài sản nêu trên được quy định như sau:
- Công ty Mua bán nợ Việt Nam mua, xử lý nợ và tài sản theo nhiệm vụ, phương án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ định.
- Công ty Mua bán nợ Việt Nam được mua các khoản nợ trong nước và nước ngoài (bao gồm cả trái phiếu, hối phiếu, công cụ nợ khác do các tổ chức, cá nhân đang nắm giữ, kể cả hối phiếu, trái phiếu do chính Công ty Mua bán nợ Việt Nam phát hành) và tài sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ) của các tổ chức và cá nhân.
- Các khoản nợ phải thu phát sinh từ nghiệp vụ mua nợ của Công ty Mua bán nợ Việt Nam là một loại hàng hóa và được quản lý, theo dõi từng khoản nợ mua.
Hình thức mua nợ và tài sản của Công ty Mua bán nợ Việt Nam được quy định tại Điều 14 Nghị định 129/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Mua theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(2) Thỏa thuận trực tiếp với chủ nợ, chủ tài sản.
(3) Tham gia đấu thầu, đấu giá mua nợ và tài sản.
Bên cạnh đó, việc mua nợ và tài sản nói trên được thực hiện dựa trên nguyên tắc quy định tại Điều 15 Nghị định 129/2020/NĐ-CP như sau:
(1) Đối với hoạt động mua nợ và tài sản theo chỉ định:
a) Công ty Mua bán nợ Việt Nam có trách nhiệm xây dựng phương án mua nợ, mua tài sản (bao gồm cả dự án cần hỗ trợ xử lý nợ) đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện. Công ty Mua bán nợ Việt Nam sử dụng nguồn vốn kinh doanh hoặc nguồn vốn do nhà nước cấp theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện phương án mua nợ, tài sản theo chỉ định. Trong đó:
- Các khoản nợ, tài sản mua theo chỉ định là các khoản nợ, tài sản của các doanh nghiệp gắn với việc cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với thẩm quyền quy định;
- Nội dung chỉ định bao gồm: đối tượng mua nợ, tài sản; giá mua nợ, tài sản; các biện pháp hỗ trợ xử lý tài chính, xử lý tài sản (nếu cần);
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp có nợ và tài sản có trách nhiệm phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung chỉ định sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
b) Các chủ nợ, chủ tài sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam để triển khai phương án đã xây dựng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
(2) Đối với hoạt động mua nợ, tài sản để kinh doanh:
a) Phương án mua nợ, tài sản phải có hiệu quả, có phương án thu hồi vốn khả thi, bảo toàn và phát triển vốn. Giá mua nợ, tài sản do Công ty Mua bán nợ Việt Nam xác định trên nguyên tắc đảm bảo khả năng sinh lời của phương án mua nợ, tài sản;
b) Nợ và tài sản được mua phải có hồ sơ chứng minh quyền chủ nợ, quyền chủ sở hữu tài sản;
c) Việc mua nợ, tài sản chỉ thực hiện khi có phương án được phê duyệt theo phân cấp thẩm quyền quy định và có thể thực hiện cho từng khoản nợ, tài sản hay theo nhóm gồm nhiều khoản nợ, tài sản khác nhau của cùng một chủ nợ, chủ tài sản hoặc của nhiều chủ nợ, chủ tài sản;
d) Công ty Mua bán nợ Việt Nam không được sử dụng vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 129/2020/NĐ-CP để mua lại nợ của chính các tổ chức, cá nhân đó.
Như vậy, Công ty Mua bán nợ Việt Nam thực hiện hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản trong trường hợp có quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, việc mua nợ và tài sản của Công ty này được thực hiện dựa trên cơ sở về hình thức và nguyên tắc theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trần Hồng Oanh
- khoản 2 Điều 27 Nghị định 129/2020/NĐ-CP
- Điều 15 Nghị định 129/2020/NĐ-CP
- Điều 14 Nghị định 129/2020/NĐ-CP
- Điều 13 Nghị định 129/2020/NĐ-CP
- Điều 12 Nghị định 129/2020/NĐ-CP
- Điều 11 Nghị định 129/2020/NĐ-CP
- Nghị định 129/2020/NĐ-CP
- Thông tư 42/2021/TT-BTC
- m a khoản 2 Điều 5 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công ty mua bán nợ Việt Nam có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trường hợp nào thì tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay? Đình chỉ thực hiện chuyến bay như thế nào?
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt, giáo dục thường xuyên mới nhất?
- Công chức quản lý thuế có bao gồm công chức hải quan? Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để gian lận thuế?
- Khai quyết toán thuế là gì? Thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là bao lâu?
- Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở gồm những gì? Thời hạn lập Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất?