Lãi suất cho vay, mức cho vay và thời hạn cho vay với hộ nghèo? Trình tự, thủ tục tiến hành vay vốn cho hộ nghèo?
Điều kiện để hộ nghèo vay vốn theo như quy định hiện nay?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 78/2002/NĐ-CP, người vay là hộ nghèo phải đáp ứng các điều kiện sau:
"Điều 13. Điều kiện để được vay vốn
1. Đối với Người vay là hộ nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã;
2. Người vay là các đối tượng chính sách khác thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định của Nghị định này."
Như vậy để vay vốn dành cho hộ nghèo bạn phải đáp ứng được các điều kiện: phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã; Người vay là các đối tượng chính sách khác thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định của Nghị định này.
Vay vốn hộ nghèo
Lãi suất cho vay, mức cho vay và thời hạn cho vay với hộ nghèo?
Theo Điều 16 Nghị định 78/2002/NĐ-CP quy định mức cho vay như sau:
"Điều 16. Mức cho vay
Mức cho vay đối với một lần vay phù hợp với từng loại đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định và công bố trên cơ sở nhu cầu vay vốn và khả năng nguồn vốn có thể huy động được trong từng thời kỳ."
Mức cho vay đối với từng hộ nghèo được xác định căn cứ vào: nhu cầu vay vốn, vốn tự có và khả năng hoàn trả nợ của hộ vay. Mỗi hộ có thể vay vốn một hay nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa đối với một hộ nghèo do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định và công bố từng thời kỳ. Hiện nay, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo là 100 triệu đồng/hộ.
Đồng thời Điều 17 Nghị định 78/2002/NĐ-CP quy định thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn:
"Điều 17. Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn
1. Thời hạn cho vay được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của Người vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của Người vay.
2. Trường hợp Người vay chưa trả được nợ đúng kỳ hạn đã cam kết do nguyên nhân khách quan, được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ.
3. Trường hợp Người vay sử dụng vốn vay sai mục đích, Người vay có khả năng trả khoản nợ đến hạn nhưng không trả thì chuyển nợ quá hạn. Tổ chức cho vay kết hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị - xã hội có biện pháp thu hồi nợ.
4. Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quy định."
Lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước. Hiện nay lãi suất cho vay là 6,6%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Thủ tục vay vốn đối với hộ nghèo được quy định như thế nào?
Bước 1: Khi có nhu cầu vay vốn, người vay viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay gửi Tổ tiết kiệm và vay vốn nơi cư trú.
Bước 2: Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và Trưởng thôn chứng kiến, giám sát tổ chức họp để bình xét công khai những hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn, lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, trình Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đối tượng được vay vốn và cư trú hợp pháp tại xã.
Sau đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn gửi hồ sơ đề nghị vay vốn tới Ngân hàng (bao gồm Giấy đề nghị vay vốn và Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn).
Bước 3: Ngân hàng kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ cho vay cho vay và thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp xã Danh sách hộ gia đình được vay vốn.
Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã. Tổ chức chính trị - xã hội cấp xã thông báo cho Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Bước 4: Tổ tiết kiệm và vay vốn thông báo cho người vay vốn biết Danh sách hộ được vay, thời gian và địa điểm giải ngân.
Bước 5: Ngân hàng thực hiện giải ngân trực tiếp cho người vay tại điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vay cư trú hoặc tại trụ sở Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay có sự chứng kiến của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Phạm Thị Hồng Ngân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vay vốn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 lưu ý quan trọng khi đánh giá xếp loại đảng viên cuối năm? Điều kiện cơ bản để được đánh giá xếp loại?
- Hóa đơn bán hàng là gì? Trường hợp nào được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng?
- Giáo dục mầm non là gì? Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm yêu cầu gì theo quy định pháp luật?
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?