Làm cộng tác viên thì ký hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ? Làm cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Làm cộng tác viên thì ký hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ?
Cộng tác viên được hiểu là những người làm công việc tự do và thường không có vị trí chính thức trong sơ đồ tổ chức, hoạt động nhân sự của nhà tuyển dụng.
Một số công việc công tác viên phổ biến hiện nay như:
- Cộng tác viên viết bài cho các trang báo, các blog, diễn đàn...
- Cộng tác viên bán hàng online cho các shop quần áo, mỹ phẩm..
- Cộng tác viên sale bất động sản...
Tùy vào từng công việc và thỏa thuận giữa nhà tuyển dụng với người làm cộng tác viên, 2 bên có thể chọn ký kết hợp động theo một trong hai hình thức hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ.
Căn cứ Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động như sau:
Hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Đồng thời, căn cứ Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ như sau:
Hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Vì tính chất cộng tác viên là làm công việc tự do, không bị gò bó thời gian làm việc.
Do đó, hầu hết các hợp đồng làm cộng tác viên giữa nhà tuyển dụng với người làm cộng tác niên hiện nay chủ yếu là hợp đồng dịch vụ.
Tuy nhiên, nếu có nhu cầu quản lý, điều hành, giám sát trực tiếp việc thực hiện công việc của cộng tác viên thì nhà tuyển dụng có thể thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động.
Như vậy, hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể việc ký kết hợp đồng làm cộng tác viên phải thực hiện theo loại hợp đồng nào.
Tuy nhiên, các bên có thể xem xét, tùy vào từng công việc, từng trường hợp cụ thể mà lựa chọn loại hợp đồng phù hợp.
Làm cộng tác viên thì ký hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ? (Hình từ Internet)
Mẫu hợp đồng làm cộng tác viên là mẫu nào?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019, Bộ luật Dân sự 2015 cũng như các văn bản pháp lý có liên quan không có quy định về mẫu hợp đồng cộng tác viên.
Do đó, các nhà tuyển dụng, người làm cộng tác viên có thể tham khảo 2 mẫu hợp đồng làm cộng tác viên sau đây:
(1) Trường hợp ký kết hợp đồng cộng tác viên theo hình thức hợp đồng lao động.
TẢI VỀ mẫu hợp đồng làm cộng tác viên theo hình thức hợp đồng lao động tại đây.
(2) Trường hợp ký kết hợp đồng cộng tác viên theo hình thức hợp đồng dịch vụ.
TẢI VỀ mẫu hợp đồng làm cộng tác viên theo hình thức hợp đồng dịch vụ tại đây.
Làm cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
...
Như vậy, theo quy định, trường hợp người làm cộng tác viên ký hợp đồng với nhà tuyển dụng theo hình thức hợp đồng lao động thì phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp người làm cộng tác viên ký hợp đồng dịch vụ thì không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cộng tác viên có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?
- Chi cục thuế Hà Nội ở đâu? Tổng hợp danh sách số điện thoại, các phòng và các chi cục thuế trên địa bàn Hà Nội chuẩn, chính xác?
- Hạn chót nộp bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2A, 2B là khi nào? Nội dung cần làm rõ trong bản kiểm điểm?
- Đảng viên nào được miễn kiểm điểm cuối năm nay? Trách nhiệm, quyền hạn của Đảng viên được miễn kiểm điểm cuối năm nay?