Làm gì khi bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền? Mẫu đơn trình báo công an về việc bị gọi điện đòi nợ vô căn cứ như thế nào?

Hiện nay nhiều trường hợp dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền nhưng lại bị các đối tượng “khủng bố” gọi điện đòi nợ, nhắn tin đe dọa và thậm chí bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội vì những nợ vay mượn trên các App ứng dụng. Vậy trường hợp này nên xử lý như thế nào? Câu hỏi của anh N.M.T (Long An).

Làm gì khi bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền?

Vấn đề bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính sau đây:

- Người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã tham gia vay tiền qua App và không trả tiền đúng hạn nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, cho dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó.

- Do thủ tục vay tiền qua App hết sức đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CMND/CCCD là có thể vay được tiền, vậy nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng việc đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai của bạn để thực hiện việc vay tiền qua App nhưng sau đó không trả.

Trường hợp người vay tiền người vay quên hoặc cố tình không thanh toán tiền vay thì người thân, bạn bè, đồng nghiệp,... của người vay sẽ bị “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn,... với giọng điệu từ nhỏ nhẹ đề nghị nhắc nhở người vay trả nợ đến đe dọa, khủng bố, bêu xấu trên các trang mạng xã hội… Thậm chí có người khi nhận được điện thoại còn không biết là mình quen người vay tiền bởi lẽ số điện thoại của họ được thêm vào một cách ngẫu nhiên để hợp thức hóa hồ sơ vay, trong khi thực tế không có mối quan hệ nào.

Đây là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội, người bị gọi điện đòi nợ có thể rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi thậm chí là mất tiền oan do không biết hướng giải quyết đúng đắn.

Hành vi hành vi nhắn tin, gọi điện chửi rủa, bôi nhọ, lăng mạ, khủng bố tinh thần nhằm mục đích đòi tiền vô căn cứ có thể cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 và mức hình phạt cao nhất của tội này là 20 năm tù.

Khi bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền, người dân có thể thực hiện các biện pháp sau đây:

(1) Giữ bình tĩnh và thu thập thông tin:

- Ghi âm cuộc gọi: Sử dụng ứng dụng ghi âm cuộc gọi hoặc ghi âm bằng điện thoại khác để lưu lại bằng chứng về lời đe dọa.

- Lưu lại tin nhắn: Chụp ảnh màn hình hoặc lưu lại tin nhắn đe dọa để làm bằng chứng.

- Xác định nguồn gốc: Ghi lại số điện thoại, tên người gọi/nhắn tin, nội dung đe dọa và bất kỳ thông tin nào khác có thể giúp xác định người đòi nợ.

(2) Giải thích rõ ràng và khẳng định bản thân:

- Gọi điện hoặc nhắn tin lại: Giải thích rằng bạn không vay tiền và không liên quan đến khoản nợ.

- Yêu cầu thông tin: Nhắc người đòi nợ cung cấp thông tin cụ thể về khoản nợ như tên người vay, số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất vay, hợp đồng vay (nếu có),...

- Từ chối trả tiền: Khẳng định bạn không có trách nhiệm trả khoản nợ và từ chối mọi yêu cầu chuyển tiền.

(3) Tìm kiếm sự hỗ trợ:

- Liên hệ cơ quan chức năng:

+ Liên hệ công an khu vực để trình báo sự việc và và yêu cầu hỗ trợ;

+ Gọi điện đến số 113 (Công an) để trình báo vụ việc và yêu cầu hỗ trợ;

Khi trình báo cần cung cấp những thông tin, bằng chứng cần thu thập như đã trình bày.

- Liên hệ luật sư: Thuê luật sư tư vấn và đại diện cho nếu cần thiết.

Làm gì khi bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền? Mẫu đơn trình báo công an về việc bị gọi điện đòi nợ vô căn cứ như thế nào?

Làm gì khi bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền? (Hình từ Internet)

Mẫu đơn trình báo công an về việc bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền như thế nào?

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về mẫu đơn trình báo về việc bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền. Tuy nhiên vì đây là một loại văn bản dùng để trình báo với các cơ quan nhà nước nên khi trình bày cần phải đảm bảo sự nghiêm túc, đầy đủ nội dung nhưng vẫn ngắn gọn, đúng trọng tâm.

Theo đó, người dân có thể tham khảo mẫu đơn trình báo sau đây:

TẢI VỀ MẪU ĐƠN TRÌNH BÁO

Mẫu đơn trình báo về việc bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền

Những công ty tài chính khi nhắc nợ, thu hồi nợ khách hàng phải tuân thủ những quy định nào?

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN) như sau:

Quy định nội bộ
...
2. Quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống và phải có các nội dung cụ thể sau đây:
...
đ) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;
...

Theo đó, các công ty tài chính phải thực hiện các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, cụ thể:

- Số lần nhắc nợ tối đa 5 lần mỗi ngày;

- Hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng (hay thỏa thuận qua App khi vay tiền) nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ;

- Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Tải về Bộ luật Hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi bổ sung Tải

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đòi nợ

Nguyễn Quốc Bảo

Đòi nợ
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đòi nợ có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào