Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu có thì mức hưởng bao nhiêu?
Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn có được hưởng chế độ thai sản không?
Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn có được hưởng chế độ thai sản không thì căn cứ điểm e khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
...
và khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể:
Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
...
2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
...
Theo đó, chỉ cần lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội mà có vợ sinh con thì sẽ được nghỉ chăm sóc vợ sinh con.
Trường hợp của anh, vợ sinh con, anh đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm, tuy nhiên trước khi vợ sinh con có bị gián đoạn 1 tháng không đóng nhưng sau đó lại đóng đầy đủ thì vẫn được nghỉ việc để chăm sóc vợ khi sinh con.
Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn có được hưởng chế độ thai sản không (Hình từ Internet)
Mức trợ cấp một lần khi vợ sinh con?
Trợ cấp một lần khi sinh con căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể:
Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Bên cạnh đó, điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH cụ thể:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
...
2. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
...
Như vậy, anh sẽ nhận được trợ cấp một lần khi vợ sinh con nếu đáp ứng đồng thời 02 điều kiện sau đây:
- Anh đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ anh sinh con;
- Vợ của anh không đóng bảo hiểm xã hội hoặc có đóng nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Trường hợp anh đóng bảo hiểm xã hội ở công ty trong suốt 10 năm và chỉ bị gián đoạn 1 tháng trước khi vợ sinh thì vẫn được nhận tiền trợ cấp một lần khi vợ sinh.
Mức hưởng chế độ thai sản cho lao động nam có vợ sinh con được tính như thế nào?
Tiền chế độ thai sản của lao động nam theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể:
Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.
Tiền chế độ thai sản của lao động nam được tính theo công thức:
Mức hưởng = Mbq6t : 24 x Số ngày được nghỉ
Trong đó: Mbq6t là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp chưa đủ 06 tháng thì Mbq6t là mức bình quân tiền lương của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Nguyễn Anh Hương Thảo
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chế độ thai sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan là hạt nhân chính trị ở cơ sở đúng không? Nhiệm vụ lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng?
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?