Lazada có phải chỉ định đầu mối cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật không?
- Lazada có phải là sàn giao dịch thương mại điện tử hay không?
- Lazada có phải chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật không?
- Các đối tượng sở hữu website thương mại điện tử bán hàng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi nào?
Lazada có phải là sàn giao dịch thương mại điện tử hay không?
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP định nghĩa về sàn giao dịch thương mại điện tử như sau:
9. Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Sàn giao dịch thương mại điện tử trong Nghị định này không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Đồng thời, có thể dễ dàng nhận thấy rằng Lazada đã thiết lập một website thương mại điện tử cho phép các đối tượng không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên Lazada.
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên có thể khẳng định rằng Lazada là sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định.
Lazada có phải chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 11 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm b khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử
Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử
...
11. Đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm:
a) Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
Đồng thời, như đã phân tích ở trên thì Lazada là sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định.
Thêm vào đó, Lazada còn có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Trong đó, chức năng đặt hàng trực tuyến được định nghĩa là một chức năng được cài đặt trên website thương mại điện tử hoặc trên thiết bị đầu cuối của khách hàng và kết nối với website thương mại điện tử để cho phép khách hàng khởi đầu quá trình giao kết hợp đồng theo những điều khoản được công bố trên website đó, bao gồm cả việc giao kết hợp đồng với hệ thống thông tin tự động.
Như vậy, từ tất cả các quy định trên Lazada phải có trách nhiệm trong việc chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Lưu ý: đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các đối tượng sở hữu website thương mại điện tử bán hàng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi nào?
Căn cứ tại Điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng:
Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng
1. Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
2. Thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin trên website theo các quy định tại Mục này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin.
3. Tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng quy định tại Mục 1 Chương V Nghị định này.
4. Thực hiện các quy định, tại Mục 2 Chương II Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
5. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định này nếu website có chức năng thanh toán trực tuyến.
6. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
7. Lưu trữ thông tin về các giao dịch được thực hiện qua website theo quy định của pháp luật về kế toán; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Như vậy, các đối tượng sở hữu website thương mại điện tử bán hàng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
Phan Thanh Thảo
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Sàn giao dịch thương mại điện tử có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?