Mất thẻ hướng dẫn viên du lịch thì có xin cấp lại được không? Có mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch của người khác để hành nghề được không?
Mất thẻ hướng dẫn viên du lịch có xin cấp lại được không?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 63 luật Du lịch 2017 thì:
Thẻ hướng dẫn viên du lịch được cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hư hỏng hoặc thay đổi thông tin trên thẻ. Thời hạn của thẻ hướng dẫn viên du lịch được cấp lại bằng thời hạn còn lại của thẻ đã được cấp.
Do đó, trường hợp của anh/chị bị mất thẻ hướng dẫn viên du lịch sẽ được cấp lại.
Tải về mẫu đơn đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch mới nhất 2023: Tại Đây
Thẻ hướng dẫn viên du lịch
Hồ sơ, thủ tục cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch cần những gì?
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 63 Luật Du lịch 2017 quy định về cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch như sau:
- Hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
+ 02 ảnh chân dung màu cỡ 3cm x 4cm;
+ Bản sao có chứng thực giấy tờ liên quan đến nội dung thay đổi trong trường hợp cấp lại thẻ do thay đổi thông tin trên thẻ hướng dẫn viên du lịch.
- Trình tự, thủ tục cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch được quy định như sau:
+ Bước 1: Người đề nghị cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thẻ;
+ Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thẻ cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch cho người đề nghị; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời gian chờ cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch thì có hành nghề được không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017 về điều kiện hành nghề hướng dẫn viên du lịch như sau:
- Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;
- Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;
- Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Thêm vào đó Mục 1 Công văn 120/TCDL-LH năm 2018 của Tổng cục du lịch hướng dẫn về điều kiện hành nghề hướng dẫn viên du lịch như sau:
"(1) Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;
(2) Có hợp đồng lao động lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch. Trong trường hợp không có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn, hướng dẫn viên phải là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Du lịch, việc tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp là quyền của hướng dẫn viên, hướng dẫn viên có quyền lựa chọn là thành viên của doanh nghiệp hoặc là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp; hướng dẫn viên là nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng có quyền lựa chọn tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
(3) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch, cụ thể như sau:
- Đối với hướng dẫn viên là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (thể hiện qua hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng) - đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp này, hướng dẫn viên phải có văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đó - đáp ứng điểm c khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch.
- Đối với hướng dẫn viên là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch (thể hiện qua văn bản xác nhận của tổ chức xã hội - nghề nghiệp; hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch) - đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác, phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp đó. Hợp đồng hướng dẫn cũng là một loại hợp đồng nhưng là hợp đồng theo từng vụ việc, tuy nhiên, nội dung của hợp đồng hướng dẫn khác với nội dung của hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch ở nội dung công việc thực hiện, thời gian thực hiện và các nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp ký hợp đồng hướng dẫn.
Các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng lao động như trách nhiệm đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm y tế và Luật việc làm."
Nên việc không có thẻ hướng dẫn viên du lịch mà vẫn hành nghề được quy định tại khoản 7 Điều 9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
"a) Không có thẻ hướng dẫn viên du lịch khi hành nghề;
b) Sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả để hành nghề hướng dẫn."
..."
Như vậy trong lúc chờ cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch anh/chị không được phép hành nghề nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt đối với hành vi này là từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là mức phạt đối với cá nhân, còn tổ chức sẽ nhân đôi (khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
Tôi mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch của người khác để hành nghề được không?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP mức xử phạt đối với hành vi này như sau:
"Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kê khai không trung thực hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch;
b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch;
c) Hoạt động hướng dẫn du lịch không đúng phạm vi hành nghề của hướng dẫn viên du lịch theo quy định."
Qua đó, đối với hành vi mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch để hành nghề thì bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (tại điểm b khoản 6 Điều 9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP và tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch trong thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng (tại điểm a khoản 10 Điều 9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP). Tuy nhiên, đây chỉ là mức phạt đối với cá nhân, còn tổ chức sẽ nhân đôi (khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi này (tại điểm a khoản 11 Điều 9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP).
Phạm Tiến Đạt
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hướng dẫn viên du lịch có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?