Mẫu thông báo về việc thụ lý vụ án dân sự để xét xử phúc thẩm là mẫu nào? Thời hạn thông báo về việc thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm là bao lâu?
- Mẫu thông báo về việc thụ lý vụ án dân sự để xét xử phúc thẩm là mẫu nào?
- Thời hạn thông báo về việc thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm là bao lâu?
- Tòa án cấp phúc thẩm phải quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm trong vòng bao nhiêu tháng kể từ ngày thụ lý vụ án?
- Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm gồm nội dung nào?
Mẫu thông báo về việc thụ lý vụ án dân sự để xét xử phúc thẩm là mẫu nào?
Mẫu thông báo về việc thụ lý vụ án dân sự để xét xử phúc thẩm theo Mẫu số 65 ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP như sau:
Tải về Mẫu thông báo về việc thụ lý vụ án dân sự để xét xử phúc thẩm
Mẫu thông báo về việc thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm là mẫu nào? (hình từ internet)
Thời hạn thông báo về việc thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm là bao lâu?
Căn cứ theo Điều 285 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm như sau:
Thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm
1. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2. Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.
Như vậy, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Tòa án cấp phúc thẩm phải quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm trong vòng bao nhiêu tháng kể từ ngày thụ lý vụ án?
Căn cứ theo Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
1. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:
a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng.
2. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
3. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
4. Thời hạn quy định tại Điều này không áp dụng đối với vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài.
...
Theo quy định nêu trên, trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm hoặc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
Lưu ý: Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm gồm nội dung nào?
Căn cứ theo Điều 290 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm như sau:
Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm
1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:
a) Các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 220 của Bộ luật này;
b) Họ, tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ, tên Thẩm phán dự khuyết (nếu có);
c) Họ, tên, tư cách tham gia tố tụng của người kháng cáo;
d) Viện kiểm sát kháng nghị (nếu có);
đ) Họ, tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; họ, tên Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có).
2. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Như vậy, quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Tên Tòa án ra quyết định;
- Vụ án được đưa ra xét xử;
- Tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa;
- Xét xử công khai hoặc xét xử kín;
- Họ, tên người được triệu tập tham gia phiên tòa.
- Họ, tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ, tên Thẩm phán dự khuyết (nếu có);
- Họ, tên, tư cách tham gia tố tụng của người kháng cáo;
- Viện kiểm sát kháng nghị (nếu có);
- Họ, tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; họ, tên Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có).
Nguyễn Phạm Đài Trang
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Xét xử phúc thẩm có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức gì? Thành viên hợp danh của công ty hợp danh được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam không?
- Mục đích của đổi mới công nghệ là gì? 04 mục tiêu của chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia là gì?
- Content về ngày 20 11 sáng tạo, thu hút? Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 thứ mấy, ngày mấy âm lịch?
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?