Mẹ vay nợ không có khả năng trả thì con có trách nhiệm trả nợ hay không? Những người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật gồm những đối tượng nào?
Mẹ vay nợ không có khả năng trả thì con có trách nhiệm trả nợ hay không?
Căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
"Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân."
Theo quy định, người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, những người thừa kế di sản sẽ có trách nhiệm trả khoản tiền vay trong phạm vi di sản do mẹ bạn để lại.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý nếu không có di sản hoặc di sản không đủ trả nợ thì người thừa kế không phải chịu trách nhiệm cá nhân về khoản nợ đó.
Mẹ vay nợ không có khả năng trả thì con có trách nhiệm trả nợ hay không? Những người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật gồm những đối tượng nào?
Những người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật gồm những đối tượng nào?
Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Theo đó, những người thừa kế tài sản của mẹ bạn khi mất bao gồm anh em bạn, ông bà ngoại của mẹ bạn (nếu còn sống).
Người vay nợ có những nghĩa vụ nào khi thực hiện vay nợ theo quy định pháp luật?
Căn cứ Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
"Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Như vậy, mẹ bạn phải trả đủ tiền khi đến hạn, nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng.
Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định nêu trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Ngoài ra, khi trả nợ cũng cần yêu cầu bên cho vay chứng minh rõ khoản nợ, lãi suất, trường hợp cho vay "nặng lãi", lãi suất không đúng quy định của pháp luật thì không được chấp nhận. Tranh chấp phát sinh từ khoản tiền vay, lãi suất cho vay, nghĩa vụ trả nợ mà các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Trần Thành Nhân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trách nhiệm trả nợ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người bị bạo lực gia đình có được quyền lựa chọn chỗ ở khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc không?
- Quy hoạch chi tiết dự án cải tạo nhà chung cư phải có chỉ tiêu nào? Có thể lập quy hoạch đồng thời với đánh giá chất lượng nhà chung cư không?
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?