Mua trả chậm và mua trả góp khác nhau thế nào? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi không thanh toán đúng hạn?
Mua trả chậm và mua trả góp khác nhau thế nào?
Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa cụ thể về mua trả chậm là gì? Tuy nhiên, căn cứ tại Điều 453 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về mua trả chậm, trả dần như sau:
Mua trả chậm, trả dần
1. Các bên có thể thỏa thuận về việc mua trả chậm hoặc trả dần tiền trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Theo đó, có thể hiểu mua trả chậm là việc các bên có thể thỏa thuận việc trả tiền sẽ được thực hiện trong một thời hạn nhất định sau khi giao kết hợp đồng và nhận tài sản. Với hình thức này, người mua sẽ phải trả một lần mà không phải thanh toán ngay.
Hiện nay, pháp luật cũng không có định nghĩa cụ thể về hình thức mua trả góp (hay còn gọi là mua trả dần).
Tuy nhiên, dựa vào căn cứ tại Điều 453 Bộ luật Dân sự 2015 về mua trả chậm, trả dần thì cũng có thể thấy mua trả góp cũng tương tự như mua trả chậm, cụ thể:
Mua trả góp là việc các bên có thể thỏa thuận về việc trả tiền cho một sản phẩm hoặc dịch vụ trong một khoảng thời gian xác định thay vì thanh toán toàn bộ giá trị ngay lập tức.
Tuy nhiên, điểm khác giữa mua trả góp và mua trả chậm là người mua trả góp có thể chia nhỏ thành các đợt thanh toán đều đặn thay vì mua trả chậm sẽ phải thanh toán một lần sau thời hạn đã thỏa thuận.
Hợp đồng mua bán trả góp thường được ký kết giữa người mua và người bán, với cam kết thanh toán định kỳ, thông thường sẽ là hàng tháng. Khoản thanh toán bao gồm cả gốc và lãi suất, được tính trên số tiền còn nợ sau mỗi kỳ thanh toán.
Bên cạnh đó, đối với cả 2 hình thức này người bán sẽ được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Hiện nay, trên thực tế đã có một số doanh nghiệp áp dụng hình thức mua trả chậm không tính lãi suất. Đây là chính sách bán hàng kích cầu tiêu dùng và cũng mang đến lợi ích cực lớn cho người dùng Việt trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Cụ thể, chính sách mua bán hàng này được đưa ra với mục tiêu thay thế chính sách mua trả góp. Khi áp dụng hình thức này khách hàng sẽ không phải chịu lãi suất cũng như các chi phí ẩn như bảo hiểm, phí hồ sơ.
>>>>Xem thêm bài viết: Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
Mua trả chậm và mua trả góp khác nhau thế nào? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi không thanh toán đúng hạn? (Hình từ Internet)
Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm, mua trả góp như thế nào?
Trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán trả chậm thì bên mua phải tuân thủ quy định về Nghĩa vụ trả tiền quy định tại Điều 440 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
Nghĩa vụ trả tiền
1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.
2.Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản.
Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
3.Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.
Trường hợp người mua quá hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán mà người mua vẫn không có khả năng chi trả số tiền mua tài sản đó cho bên bán thì căn cứ Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 người mua phải có trách nhiệm như sau:
Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi mua trả chậm, mua trả góp nhưng không thanh toán đúng hạn?
Căn cứ tại điểm c, d khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính khi không thanh toán đúng hạn như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Đồng thời áp dụng mức xử phạt tương ứng đối với hành vi không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy, nếu không thanh toán đúng hạn khi mua trả chậm, mua trả góp thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 02 -03 triệu đồng theo quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Mua trả chậm có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ hàng hóa xuất nhập khẩu là người khai hải quan đúng không? Gian lận thuế là hành vi bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan?
- Việc bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động có được phép thực hiện trong ca làm việc không?
- Mẫu ý kiến nhận xét đảng viên dự bị của tổ chức đoàn thể nơi làm việc? Hướng dẫn ưu và khuyết điểm nhận xét đảng viên dự bị?
- Tổng hợp Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 mới nhất?
- Mẫu lời cảm ơn các cựu chiến binh Việt Nam 6 12 hay, ý nghĩa? Ngày này là ngày lễ lớn đúng không?