Ngân hàng cưỡng chế tài sản thế chấp của người vay tiền được không? Nếu được thì thực hiện như thế nào?
Thế chấp tài sản có phải biện pháp bảo đảm không?
Biện pháp thế chấp tài sản có phải biện pháp bảo đảm không, theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
1. Cầm cố tài sản.
2. Thế chấp tài sản.
3. Đặt cọc.
4. Ký cược.
5. Ký quỹ.
6. Bảo lưu quyền sở hữu.
7. Bảo lãnh.
8. Tín chấp.
9. Cầm giữ tài sản.
Theo đó, thế chấp tài sản được xem là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Thế chấp tài sản (Hình từ Internet)
Ngân hàng cưỡng chế tài sản thế chấp của người vay tiền được không?
Quy định về thế chấp tài sản tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Theo quy định trên, thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.
Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Việc ngân hàng cưỡng chế tài sản thế chấp của người vay tiền được không, theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Quyền của bên nhận thế chấp
1. Xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.
2. Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.
3. Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.
4. Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
6. Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
7. Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
Theo đó, ngân hàng (bên nhận thế chấp) có những quyền được quy định tại Điều 323 nêu trên. Trong đó không ghi nhận quyền cưỡng chế tài sản thế chấp.
Do đó, ngân hàng không thể cưỡng chế tài sản thế chấp của người vay tiền, thay vào đó ngân hàng có thể xử lý tài sản thế chấp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 thì ngân hàng có thể xử lý tài sản của người vay tiền thông qua những phương thức sau:
- Bán đấu giá tài sản.
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản.
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
- Phương thức khác.
Ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp của người vay tiền trong trường hợp nào?
Trường hợp ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp của người vay tiền quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Như vậy, ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp của người vay tiền trong những trường hợp sau:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà người vay tiền không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Người vay tiền phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Theo quy định tại Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015 thì trước khi xử lý tài thế chấp thì ngân hàng phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản thế chấp cho người vay tiền.
Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm
1. Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
2. Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tài sản thế chấp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?
- Mẫu biên bản thỏa thuận về việc góp vốn kinh doanh mua bất động sản, đất đai mới nhất? Tải về ở đâu?
- Hướng dẫn cách viết mẫu phiếu đánh giá xếp loại chất lượng công chức? Công chức được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc khi nào?