Người bị kết án tử hình 'Tử tù' có còn được gặp người thân hay không? Ai là người bố trí phòng để 'Tử tù' gặp người thân?
Người bị kết án tử hình "Tử tù" có còn được gặp người thân hay không?
Trước hết "tử tù" là một cách gọi dành cho người bị Tòa án kết án tử hình được quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể như sau:
Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Vậy sau khi đã bị Tòa “tuyên án tử” thì có còn được thăm gặp người thân không?
Đầu tiên, phải chia người bị kết án tử hình ra thành 2 trường hợp:
1/ Một là người bị kết án tử hình nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp này việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật được gặp thân nhân một lần trong một tháng.
Trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.
Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ. (Căn cứ theo Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015)
Trong đó, thân nhân của người bị kết án tử hình là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị kết án tử hình; cháu ruột nếu người bị kết án tử hình là ông bà nội, ông bà ngoại. (Theo khoản 2, khoản 8 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015)
Ngoài ra, luật sư hoặc người bào chữa khác như người đại diện, bào chữa viên nhân dân,...) cũng có thể được gặp người bị kết án tử hình để thực hiện bào chữa theo quy định. (Theo khoản 3 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015)
Thủ trưởng cơ sở giam giữ là người quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp, thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị kết án tử hình. Đồng thời việc tổ chức thăm gặp phải bảo đảm tuyệt đối an toàn (Theo khoản 2 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015).
Tuy nhiên, trong một số trường hợp như có dịch bệnh, khi đang lấy lời khai, hỏi cung, đang tham gia các hoạt động tố tụng khác hoặc người bị kết án tử hình đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A,... thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ cũng có quyền quyết định không cho thăm gặp người bị kết án tử hình và nêu rõ lý do (Theo khoản 4 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015)
2/ Hai là người bị kết án tử hình và bản án đã có hiệu lực, đang chờ thi hành án.
Theo đó, đối với trường hợp này thì việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình và bản án đã có hiệu lực, đang chờ thi hành án sẽ do Giám thị trại tạm giam quyết định. (Căn cứ theo khoản 2 Điều 37 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015).
Như vậy, đối chiếu những quy định trên thì có thể thấy, việc thăm gặp người bị kết án tử hình được kiểm soát vô cùng chặt chẽ và chỉ có thân nhân, người bào chữa hoặc các cán bộ thuộc cơ quan tiến hành tố tụng,... mới có quyền thăm gặp người bị kết án tử hình trong một số trường hợp do luật quy định.
Người bị kết án tử hình 'Tử tù' có còn được gặp người thân hay không? Ai là người bố trí phòng để 'Tử tù' gặp người thân? (Hình từ Internet)
Ai là người bố trí phòng cho người bị kết án tử hình "Tử tù" để gặp người thân?
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định về việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình như sau:
Việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình
1. Việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình thực hiện theo khoản 2, Điều 37 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Giám thị trại tạm giam bố trí phòng thăm gặp riêng cho người bị kết án tử hình, thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Theo quy định trên thì Giám thị trại tạm giam bố trí phòng thăm gặp riêng cho người bị kết án tử hình, thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Như vậy, Giám thị trại tạm giam sẽ là người bố trí phòng cho người bị kết án tử hình "Tử tù" được gặp người thân. Đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Người bị kết án tử hình thì tiền bạc, tài sản của họ có trả lại cho người thân hay không?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 37 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định về chế độ ăn, ở và quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình như sau:
Chế độ ăn, ở và quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình
...
5. Cơ sở giam giữ trả lại tiền, tài sản gửi lưu ký, đồ dùng cá nhân của người đã bị thi hành án tử hình cho thân nhân hoặc người được ủy thác của người đó.
...
Như vậy, người bị kết án tử hình sẽ được cơ sở giam giữ trả lại tiền bạc, đồ dùng cá nhân khi người đó đã bị thi hành án tử hình cho thân nhân hoặc người được ủy thác của người đó.
Lê Đình Khôi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Người bị kết án tử hình có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?