Người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam không?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam là bao lâu?
Người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Theo quy định tại điểm a khoản 3, điểm a khoản 6 Điều 21 Nghị định 31/2016/NĐ-CP về vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật nội địa như sau:
Vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật nội địa
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật vận chuyển từ vùng công bố dịch là đối tượng kiểm dịch thực vật ra vùng khác.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển, bốc dỡ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ không đúng địa Điểm quy định trong Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa;
b) Đưa vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật tới những nơi không quy định trong Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Đưa đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam;
b) Vận chuyển, lưu thông vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã có kết luận bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ mà không thực hiện đúng quy định của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật có thẩm quyền;
c) Không chấp hành các biện pháp khoanh vùng, bao vây, tiêu diệt ổ dịch, đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ theo quyết định của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật có thẩm quyền.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không chấp hành các biện pháp xử lý đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quy định, quyết định của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với việc xử lý đối tượng kiểm dịch thực vật.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng lây lan đối tượng kiểm dịch thực vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, 3 và 5 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4, 5 Điều này.
Theo quy định trên, người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Đồng thời người vi phạm còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng lây lan đối tượng kiểm dịch thực vật đối với hành vi vi phạm.
Kiểm dịch thực vật (Hình từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam không?
Theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 31/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm a khoản 5 Điều 2 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a, c và đ Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật với mức phạt tiền tối đa là 5.000.000 đồng đối với cá nhân, và tối đa là 10.000.000 đồng đối với tổ chức.
Do người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa là 5.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt người này.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam là bao lâu?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật là một năm, trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thực vật, sản phẩm thực vật thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là hai năm.
2. Thời Điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đưa đối tượng kiểm dịch thực vật ra các vùng trong lãnh thổ Việt Nam là 01 năm.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Kiểm dịch thực vật có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người được giáo dục có phải gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục không?
- Hộ gia đình bị thu hồi đất và phải phá dỡ nhà ở có được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội không?
- Kê khai thuế là gì? Hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện kê khai thuế là hành vi nào theo quy định?
- Người nộp thuế lưu ý điều gì khi kê khai thuế? Cơ quan thuế có quyền yêu cầu người nộp thuế giải thích việc khai thuế?
- Ngày giao dịch đầu tiên của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được xác định thế nào?