Người hành nghề khám chữa bệnh có bị cấm hành nghề khi đang trong thời gian thử thách hay không?
Chỉ được phép hành nghề khám chữa bệnh khi đã đăng ký hành nghề đúng không?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh
1. Cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực;
b) Đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này;
c) Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 của Luật này;
d) Có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
đ) Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
...
Theo đó, một trong những điều kiện để cá nhân cá nhân được phép hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam đó là đã đăng ký hành nghề. Tuy nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ được quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023. Cụ thể quy định này như sau:
Nguyên tắc đăng ký hành nghề
...
3. Người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây:
a) Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
b) Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
c) Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
d) Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
...
Như vậy, vẫn có trường hợp người hành nghề được khám chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề. Cụ thể là:
- Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
- Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
- Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
- Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
- Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Người hành nghề khám chữa bệnh sẽ bị cấm hành nghề trong thời gian thử thách có đúng hay không? (Hình từ internet)
Người hành nghề khám chữa bệnh có bị cấm hành nghề khi đang trong thời gian thử thách hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như sau:
Các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
2. Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
3. Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
4. Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
5. Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
6. Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Theo đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm hành nghề khám chữa bệnh đó là đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Như vậy, không phải mọi trường hợp người hành nghề khám chữa bệnh sẽ bị cấm hành nghề trong thời gian thử thách mà pháp luật chỉ cấm hành nghề khám chữa bệnh đối với những người đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Khi xảy ra sự cố y khoa người hành nghề khám chữa bệnh có quyền đề nghị cơ quan nào bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như sau:
Quyền được bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa
1. Được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi đã thực hiện đúng quy định mà vẫn xảy ra sự cố y khoa.
2. Được đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra sự cố y khoa.
Theo đó, khi xảy ra sự cố y khoa người hành nghề khám chữa bệnh có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám chữa bệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
Trương Thị Mỹ Tiên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hành nghề khám chữa bệnh có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trọng tài quy chế là gì? Nguyên đơn làm đơn khởi kiện có được áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế không?
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?
- Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng là gì? Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trong trường hợp nào?
- Người thực hiện vận chuyển bình xịt hơi cay có số lượng lớn qua biên giới có bị phạt tù hay không?