Người lái thuyền chịu gây tai nạn cho người khác thì có bị tù không? Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm gì khi người lái thuyền gây tai nạn?
Người lái thuyền chịu trách nhiệm gì khi gây tai nạn?
Căn cứ tại Điều 272 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung tại Khoản 84 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
“Điều 272. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thủy;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Theo đó, người điều khiển phương tiện tàu không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đường thủy dẫn tới tai nạn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp này bạn có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm gì khi người lái thuyền gây tai nạn? (Hình từ Internet)
Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm gì khi người lái thuyền gây tai nạn?
Chủ doanh nghiệp không phải là người trực tiếp lái thuyền nhưng là người điều động thuyền viên cho nên việc chịu trách nhiệm khi sự cố xảy ra là điều đương nhiên. Căn cứ theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau:
"Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật."
Quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
"Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
"Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Do đó, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra khi người của mình gây tai nạn đối với các nạn nhân không may qua đời và chi trả bồi thường cho các nạn nhân bị thương tích, tổn hại tinh thần và sức khỏe.
Biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường thủy là gì?
Căn cứ tại Điều 6 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa như sau:
"Điều 6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa
1. Tổ chức liên quan đến giao thông đường thuỷ nội địa có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa cho nhân dân và cán bộ, công chức, người lao động trong phạm vi quản lý của mình.
2. Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa trong các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc điểm của từng vùng lãnh thổ."
Như vậy, cần tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường thủy đến rộng rãi cho người dân.
Hoàng Thanh Thanh Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Người lái thuyền gây tai nạn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người điều khiển ô tô có được dừng xe song song với xe khác không? Nếu không được thì có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?
- Phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn sử dụng đất mấy tháng? Thời hạn sử dụng đất đối với đất sử dụng có thời hạn là bao lâu?
- Cập nhật các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu mới nhất? Tải Luật thuế xuất nhập khẩu PDF hiện nay?