Người tiêu dùng không có hứng thú với chương trình khuyến mại có được chấm dứt chương trình không?

Công ty tôi đã thông báo chương trình khuyến mại với thông tin như bên dưới: - Tên chương trình: Đặc quyền thảnh thơi - Thời gian khuyến mại: từ ngày 15/12/2023 đến khi hết 1.917 sản phẩm áp dụng khuyến mại (dự kiến hết ngày 15/11/2023) - Nội dung: Người tiêu dùng mua 1917 sản phẩm máy nước nóng đầu tiên và kích hoạt bảo hành điện tử thành công; sẽ được tặng 1 máy lọc nước tương ứng và 1 voucher mua các sản phẩm máy nước nóng trị giá 500K. Sau một thời gian thực hiện, nhận thấy người tiêu dùng không có hứng thú với chương trình này nên công ty chúng tôi muốn chấm dứt chương trình trước thời hạn để thực hiện chương trình khác hấp dẫn hơn và tăng thêm ưu đãi cho người tiêu dùng. Tôi muốn hỏi việc chấm dứt chương trình trước thời gian dự kiến như vậy có hợp lệ hay không? Nếu có, công ty chúng tôi cần phải thực hiện thủ tục như thế nào? Câu hỏi đến từ chị A.G ở Long An.

Người tiêu dùng không có hứng thú với chương trình khuyến mại có được chấm dứt chương trình không?

Căn cứ Điều 22 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định như sau:

Chấm dứt thực hiện chương trình khuyến mại
Thương nhân thực hiện khuyến mại không được chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mại trước thời hạn đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ các trường hợp quy định dưới đây:
1. Trong trường hợp bất khả kháng, việc chấm dứt chương trình khuyến mại trước thời hạn phải được thông báo công khai tới khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền.
2. Trong trường hợp thương nhân thực hiện khuyến mại hết số lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại hoặc hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, phát hành hết số lượng bằng chứng xác định trúng thưởng đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận, việc chấm dứt thực hiện chương trình khuyến mại chỉ được thực hiện sau khi thương nhân thực hiện thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi khách hàng đã tham gia chương trình.
3. Trong trường hợp bị cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu chấm dứt việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần chương trình khuyến mại của thương nhân, việc chấm dứt thực hiện chương trình phải được thương nhân công bố công khai theo một trong các cách thức quy định tại Điều 98 Luật thương mại, trên website của thương nhân (nếu có website) và phải đảm bảo thương nhân sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết với khách hàng đã tham gia chương trình khuyến mại đó; trừ trường hợp trong chương trình khuyến mại đó có sử dụng hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng để khuyến mại hoặc có sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi hoặc có sử dụng thuốc lá, rượu, thuốc chữa bệnh để khuyến mại (trừ trường hợp dùng thuốc chữa bệnh để khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc) dưới mọi hình thức. Thương nhân bị cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu chấm dứt thực hiện chương trình khuyến mại khi:
a) Vi phạm các quy định tại Điều 100 Luật thương mại và Điều 3 Nghị định này;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các nội dung trong thể lệ chương trình khuyến mại đã đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền.

Do đó, chỉ khi rơi vào trường hợp trên thì mới được chấm dứt thực hiện chương trình khuyến mại, còn với thông tin của chị với lý do sau một thời gian thực hiện, nhận thấy người tiêu dùng không có hứng thú với chương trình này nên công ty muốn chấm dứt chương trình trước thời hạn là không đúng quy định nêu trên.

Người tiêu dùng không hứng thú và không áp dụng khuyến mại thì khuyến mại sẽ hết hạn theo thời gian hưởng trong quy chế khuyến mại đã ban hành.

Người tiêu dùng không có hứng thú với chương trình khuyến mại

Người tiêu dùng không có hứng thú với chương trình khuyến mại

(Hình từ Internet)

Chương trình khuyến mại phải được thực hiện như thế nào?

Nguyên tắc thực hiện chương trình khuyến mại theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định như sau:

Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.

Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại?

Theo Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định như sau:

(1) Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.

(2) Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP thì áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%.

Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

(3) Không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho:

- Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước;

- Hàng thực phẩm tươi sống;

- Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chương trình khuyến mại

Nguyễn Anh Hương Thảo

Chương trình khuyến mại
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chương trình khuyến mại có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào