Nhận hối lộ trên 5 triệu USD có bị tử hình không? Người phạm tội này trốn sang nước ngoài thì Tòa án được xét xử vắng mặt bị cáo không?
Nhận hối lộ trên 5 triệu USD có bị tử hình không?
Người phạm tội nhận hối lộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Theo quy định trên, người nhận hối lộ trên 5 triệu USD (hơn 100 tỷ đồng) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đồng thời người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nhận hối lộ trên 5 triệu USD có bị tử hình không? (Hình từ Internet)
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nhận hối lộ trên 5 triệu USD là bao lâu?
Theo Điều 28 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:
1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;
3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nhận hối lộ trên 5 triệu USD.
Người phạm tội nhận hối lộ trốn sang nước ngoài thì Tòa án được xét xử vắng mặt bị cáo không?
Theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa như sau:
Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa
1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Như vậy, trường hợp người phạm tội nhận hối lộ trốn sang nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định truy nã nhưng việc truy nã không có kết quả thì Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tội nhận hối lộ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chưa có hiệu lực thi hành thì được tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất không?
- Thành viên hộ gia đình là người 17 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền cho hộ gia đình không?
- Đội tuyên truyền giải phóng quân khi thành lập ai làm đội trưởng? Chức năng nhiệm vụ của Quân đội nhân dân như thế nào?
- Hướng dẫn ghi Mẫu 08 Nghị định 98 chi tiết, cụ thể? Tải về file word Mẫu 08 Nghị định 98 mới nhất?
- Mẫu quy trình nghỉ phép, nghỉ việc riêng dành cho người lao động trong doanh nghiệp? Số ngày nghỉ không hưởng lương theo luật lao động?