Nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì cả hai vợ chồng có đồng thời cùng được hưởng chế độ thai sản hay không?
- Vợ chồng nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì cả hai có đồng thời cùng được hưởng chế độ thai sản hay không?
- Khoản trợ cấp thai sản khi nhận nuôi con nuôi theo quy định pháp luật được tính như thế nào?
- Quy trình nộp hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ thai sản cho người nhận nuôi con nuôi gồm những gì?
Vợ chồng nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì cả hai có đồng thời cùng được hưởng chế độ thai sản hay không?
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì sẽ được hưởng chế độ thai sản với điều kiện phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thì trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.
Do đó, nếu cả 2 vợ chồng bạn nhận nuôi con nuôi và cùng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ được một trong hai người nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản.
Vợ chồng nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì cả hai có đồng thời cùng được hưởng chế độ thai sản hay không? (Hình từ Internet)
Khoản trợ cấp thai sản khi nhận nuôi con nuôi theo quy định pháp luật được tính như thế nào?
(1) Tiền trợ cấp một lần khi nhận nuôi con nuôi.
Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được trợ cấp một lần như sau:
Trợ cấp một lần/con = 2 x Mức lương cơ sở
(2) Trợ cấp thai sản.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng chế độ trợ cấp thai sản khi nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng như sau:
Mức hưởng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ x Số tháng nghỉ
Trường hợp thời gian nghỉ có ngày lẻ không đủ tháng thì mức hưởng chế độ trợ cấp thai sản trong những ngày lẻ được tính như sau:
Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ : 30 ngày x Số ngày nghỉ
Như vậy, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được nhận nhận các khoản trợ cấp như trên.
Quy trình nộp hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ thai sản cho người nhận nuôi con nuôi gồm những gì?
Căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH 2019, hồ sơ và thủ tục giải quyết chế độ thai sản cho người nhận nuôi con nuôi được quy định như sau:
(1) Hồ sơ hưởng chế độ thai sản:
Căn cứ mục 2.2.3 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH 2019 thì người nhận nuôi con nuôi cần chuẩn bị bản sao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
(2) Thủ tục hưởng chế độ thai sản:
Căn cứ Điều 5 Quyết định 166/QĐ-BHXH 2019 thì thủ tục hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi gồm những bước sau:
Bước 1: Người lao động nộp hồ sơ cho doanh nghiệp hoặc cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Sau khi chuẩn bị đủ các giấy tờ kể trên, người lao động nộp lại cho doanh nghiệp nơi mình đang làm việc hoặc đã nghỉ việc thì nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cư trú.
Thời hạn nộp:
- Người lao động tại doanh nghiệp: Hạn nộp là 45 ngày tính từ ngày người lao động trở lại làm việc.
- Người lao động đã thôi việc trước khi nhận con nuôi: Không giới hạn thời hạn nộp hồ sơ.
Bước 2: Chờ người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Bước này chỉ áp dụng với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Trong 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, doanh nghiệp phải hoàn thiện giấy tờ để nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đang đóng Bảo hiểm xã hội.
Bước 3: Người lao động nhận tiền chế độ thai sản do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết chế độ thai sản cho người lao động với thời hạn như sau:
- 06 ngày làm việc: Đối với trường hợp nhận hồ sơ của doanh nghiệp
- 03 ngày làm việc: Đối với trường hợp nhận hồ sơ của người lao động thôi việc trước khi nuôi con nuôi.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chế độ thai sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?