Những trường hợp nào sẽ được miễn chấp hành hình phạt tù? Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn có được xem xét miễn chấp hành hình phạt không?
Những trường hợp nào sẽ được miễn chấp hành hình phạt tù?
Căn cứ theo Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015, khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ được xem xét miễn chấp hành hình phạt
(1) Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
(2) Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sau khi bị kết án đã lập công;
- Mắc bệnh hiểm nghèo;
- Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
(3) Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
(4) Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
(5) Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
(6) Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
Theo đó, người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn có thể được xem xét miễn chấp hành hình phạt tù nếu thuộc các trường hợp sau đây:
- Bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt và phải chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đồng thời xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
- Bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Miễn chấp hành hình phạt tù (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù bao gồm những gì? Hồ sơ này do ai lập?
Theo khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc sẽ lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù.
Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù bao gồm:
- Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền;
- Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người bị kết án;
- Đối với người bị kết án đã lập công hoặc lập công lớn thì phải có bản tường trình có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
- Đối với người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện, hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên;
- Đối với người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.
Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù được thực hiện như thế nào?
Bước 01: Gửi hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù.
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc sẽ lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù.
Bước 02: Xem xét, quyết định miễn chấp hành án phạt tù.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án phạt tù.
Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
Bước 03: Gửi quyết định miễn chấp hành án phạt tù
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho:
- Người chấp hành án;
- Viện kiểm sát đề nghị, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp;
- Tòa án đã ra quyết định thi hành án;
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được miễn chấp hành án cư trú;
- Đơn vị quân đội được giao quản lý người đó;
- Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở;
- Bộ Ngoại giao trong trường hợp người được miễn chấp hành án là người nước ngoài.
Bước 04: Trả tự do cho người được miễn chấp hành án
Ngay sau khi nhận được quyết định miễn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải làm thủ tục trả tự do cho người được miễn chấp hành án và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp trên.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chấp hành hình phạt tù có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thay thế tờ khai hải quan bằng chứng từ trong hồ sơ hải quan được không? Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan?
- Điều dưỡng hạng 4 phải tốt nghiệp trình độ gì? Mã số chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng 4? Hệ số lương của điều dưỡng hạng 4?
- Mẫu đề cương báo cáo nội dung về công tác thanh tra định kỳ mới nhất? Có bao nhiêu nguyên tắc hoạt động thanh tra?
- Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 1954 Liên quân Việt Lào giải phóng thị xã Thà Khẹt vào thời gian nào?
- Có được trừ ngày nghỉ phép năm vào lịch nghỉ Tết âm lịch của người lao động tại các doanh nghiệp không?