Nợ có khả năng mất vốn là gì? Nợ có khả năng mất vốn được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn khi đáp ứng điều kiện nào?
Nợ có khả năng mất vốn là gì?
Tùy thuộc vào phương pháp phân loại nợ mà nợ có khả năng mất vốn được giải thích khác nhau, cụ thể tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN và Điều 11 Thông tư 11/2021/TT-NHNN có giải thích về nợ có khả năng mất vốn như sau:
- Trường hợp phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo phương pháp định lượng:
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
(1) Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
(2) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
(3) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
(4) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
(5) Khoản nợ quy định tại điểm c (4) khoản 1 Điều này chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(6) Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên 60 ngày mà chưa thu hồi được;
(7) Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(8) Khoản nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang bị phong tỏa vốn và tài sản;
(9) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 3 Điều này;
(10) Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
- Trường hợp phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo phương pháp định tính
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
(1) Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không còn khả năng thu hồi, có khả năng mất vốn.
(2) Các cam kết ngoại bảng mà khách hàng không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ cam kết.
(3) Nợ phải phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
Nợ có khả năng mất vốn là gì? Nợ có khả năng mất vốn được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn khi đáp ứng điều kiện nào? (hình từ internet)
Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nợ có khả năng mất vốn là bao nhiêu %?
Mức trích lập dự phòng cụ thể được quy định tại Điều 12 Thông tư 11/2021/TT-NHNN như sau:
Mức trích lập dự phòng cụ thể
...
2. Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với từng nhóm nợ như sau:
a) Nhóm 1: 0%;
b) Nhóm 2: 5%;
c) Nhóm 3: 20%;
d) Nhóm 4: 50%;
đ) Nhóm 5: 100%.
...
Theo đó, tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nhóm nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 100%.
Nợ có khả năng mất vốn được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn khi đáp ứng điều kiện gì?
Nợ có khả năng mất vốn được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
Cụ thể khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp 01: Đối với khoản nợ quá hạn, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
(1) Khách hàng đã trả đầy đủ phần nợ gốc và lãi bị quá hạn (kể cả lãi áp dụng đối với nợ gốc quá hạn) và nợ gốc và lãi của các kỳ hạn trả nợ tiếp theo trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, 01 (một) tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn;
(2) Có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc khách hàng đã trả nợ;
(3) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có đủ cơ sở thông tin, tài liệu đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn.
Trường hợp 02: Đối với nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
(1) Khách hàng đã trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, 01 (một) tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại;
(2) Có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc khách hàng đã trả nợ;
(3) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có đủ cơ sở thông tin, tài liệu để đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn đã được cơ cấu lại.
Lưu ý: Quy định phân loại nợ vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN chỉ áp dụng cho nợ có khả năng mất vốn theo phương pháp định lượng.
Phạm Thị Xuân Hương
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nợ xấu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?