Nói xấu đối thủ cạnh tranh có bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm không? Hành vi này có thể bị xử lý hình sự không?
Nói xấu đối thủ cạnh tranh có bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm không?
Trước hết cần tìm hiểu về thuật ngữ hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về giải thich từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
....
6. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm như sau:
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm
1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:
a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.
5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:
a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;
b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.
Hành vi nói xấu đối thủ cạnh tranh, tức là bằng hành vi trực tiếp hay gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.
Những thông tin này có thể là những nội dung sai lệch, chưa được xác nhận về chất lượng sản phẩm, về tình hình tài chính, về uy tín và đạo đức của người quản lý và hành vi nói xấu đối thủ kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.
Nói xấu đối thủ cạnh tranh (Hình từ internet)
Chứng cứ theo Luật cạnh tranh được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Cạnh tranh 2018 về chứng cứ như sau:
Chứng cứ
1. Chứng cứ là những gì có thật, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, doanh nghiệp có hành vi vi phạm và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ việc cạnh tranh.
2. Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
a) Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
b) Vật chứng;
c) Lời khai, lời trình bày của người làm chứng;
d) Lời khai, lời trình bày, giải trình của bên khiếu nại, bên bị điều tra hoặc tổ chức, cá nhân liên quan;
đ) Kết luận giám định;
e) Biên bản trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh;
g) Tài liệu, đồ vật khác hoặc nguồn khác theo quy định của pháp luật.
3. Việc xác định chứng cứ được quy định như sau:
a) Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc có thẩm quyền cung cấp, xác nhận;
b) Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc thu âm, thu hình đó;
c) Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;
d) Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc;
đ) Lời khai, lời trình bày của người làm chứng; lời khai, lời trình bày, giải trình của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra hoặc của tổ chức, cá nhân có liên quan được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu trữ âm thanh, hình ảnh quy định tại điểm a và điểm b khoản này hoặc khai bằng lời tại phiên điều trần;
e) Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, chứng cứ phải là những gì có thật, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi vi phạm và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ việc cạnh tranh.
Chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau nên trường hợp của anh thì anh có thể thu thập các chứng cứ đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể bị xử lý hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội Vi phạm quy định về cạnh tranh như sau:
Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
b) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
c) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
...
Như vậy, hành vi nói xấu đối thủ mà làm sai lệch suy nghĩ của khách hàng về đối thủ cạnh tranh của mình là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho người khác từ 01 - dưới 05 tỉ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về cạnh tranh.
Trương Thị Mỹ Tiên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cạnh tranh không lành mạnh có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hợp đồng chìa khóa trao tay có phải là hợp đồng xây dựng không? Nội dung của hợp đồng chìa khóa trao tay gồm những gì?
- Trường hợp nào thì tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay? Đình chỉ thực hiện chuyến bay như thế nào?
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt, giáo dục thường xuyên mới nhất?
- Công chức quản lý thuế có bao gồm công chức hải quan? Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để gian lận thuế?
- Khai quyết toán thuế là gì? Thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là bao lâu?