Phân biệt Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài,Giấy tờ bằng tiếng Việt, Giấy tờ song ngữ như thế nào cho chính xác?
- Phân biệt Giấy tờ bằng tiếng Việt, Giấy tờ song ngữ, Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài như thế nào?
- Cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ song ngữ?
- Chứng thực giấy tờ bằng tiếng nước ngoài tốn bao nhiêu tiền?
- Bản sao chứng thực giấy tờ có tiếng nước ngoài có giá trị như thế nào?
Phân biệt Giấy tờ bằng tiếng Việt, Giấy tờ song ngữ, Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài như thế nào?
Ngày 19/11/2012, Bộ Tư pháp đã có Công văn 9277/BTP-HCTP năm 2012 hướng dẫn áp dụng một cách thống nhất khái niệm giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt, song ngữ, tiếng nước ngoài, Bộ Tư pháp như sau:
Tại mục 2 Công văn 9277/BTP-HCTP năm 2012 nêu:
- Giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt là giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng Việt hoặc giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt nhưng có xen một số từ bằng tiếng nước ngoài như tên riêng, tên địa danh hoặc từ khác mà không thể thay thế bằng tiếng Việt và việc xen một số từ bằng tiếng nước ngoài không làm thay đổi nội dung của giấy tờ, văn bản đó.
- Giấy tờ, văn bản song ngữ là giấy tờ, văn bản được thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ, trong đó có một ngôn ngữ là tiếng Việt.
- Giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài là giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng nước ngoài hoặc giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài nhưng có xen một số từ tiếng Việt như tên riêng, tên địa danh hoặc từ khác mà không thể thay thế bằng tiếng nước ngoài và việc xen một số từ bằng tiếng Việt không làm thay đổi nội dung của giấy tờ, văn bản đó.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị Sở Tư pháp kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp (Vụ Hành chính tư pháp) để giải quyết.
Như vậy, việc phân loại 03 giấy tờ bằng tiếng Việt, Giấy tờ song ngữ, Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài được thực hiện theo hướng dẫn như trên.
Phân biệt Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài,Giấy tờ bằng tiếng Việt, Giấy tờ song ngữ như thế nào cho chính xác? (Hình internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ song ngữ?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là cơ quan đại diện) là các cơ quan có thẩm quyền chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Cụ thể:
- Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
- Chứng thực chữ ký của người dịch trong các loại giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.
Đồng thời, công chứng viên tại các Phòng/Văn phòng công chứng cũng được chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.
Và tại khoản 5 Điều 9 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì người thực hiện chứng thực có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực. (Chứng thực chữ ký hay chứng thực chữ ký người dịch trong giấy tờ song ngữ)
Tuy vậy, khác với các cơ quan trên, công chứng viên lại không được chứng thực chữ ký của người dịch.
Đối với các văn bản chức thực, công chứng viên ký chứng thực và đóng dấu của Phòng/Văn phòng công chứng.
Như vậy, thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc về Phòng Tư pháp cấp huyện.
Chứng thực giấy tờ bằng tiếng nước ngoài tốn bao nhiêu tiền?
Hiện nay, phí chứng thực giấy tờ bằng tiếng nước ngoài được quy định như sau:
STT | Tên thủ tục chứng thực | Cơ quan thực hiện | Mức thu phí |
1 | Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận | Tại Phòng Tư pháp, Tổ chức hành nghề công chứng. | 2.000 đồng/trang; từ trang thứ 3 trở lên thu 1.000 đồng/trang, tối đa thu không quá 200.000 đồng/bản. (theo Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC, mục 2 Phần II Quyết định 1329/QĐ-BTP năm 2020) |
Tại cơ quan đại diện | 10 USD/bản (theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 264/2016/TT-BTC) | ||
2 | Chứng thực chữ ký người dịch | Cơ quan đại diện | 10 USD/bản (theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 264/2016/TT-BTC) |
3 | Chứng thực chữ ký người dịch | Phòng Tư pháp | 10.000 đồng/trường hợp (theo Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC) |
Bản sao chứng thực giấy tờ có tiếng nước ngoài có giá trị như thế nào?
Theo Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP bản sao chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bên cạnh đó, các hoạt động chứng thực khác có giá trị pháp lý như sau:
- Bản sao cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
- Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Châu Thị Nhựt Nam
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chứng thực bản sao có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?