Tạm ngừng kinh doanh không thông báo liệu có vi phạm pháp luật? Mức xử phạt đối với việc không thông báo khi tạm ngừng kinh doanh?
Quy định của pháp luật về tạm ngừng kinh doanh?
Đồi với doanh nghiệp khi muốn tạm ngừng kinh doanh thì căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Bên cạnh theo quy định khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quy định:
“Điều 66. Đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
1. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
…”
Đối với hộ kinh doanh thì căn cứ theo Điều 91 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quy định:
“Điều 91. Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của hộ kinh doanh
1. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý.
2. Trường hợp hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, hộ kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Kèm theo thông báo phải có bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh. Sau khi tiếp nhận thông báo, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận hồ sơ cho hộ kinh doanh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo cho hộ kinh doanh.”
Như vậy, khi tạm ngừng kinh doanh thì kể cả doanh nghiệp hay hộ kinh doanh đều phải thông báo các cơ quan có thẩm quyền.
Tạm ngừng kinh doanh không thông báo liệu có vi phạm pháp luật? Mức xử phạt đối với việc không thông báo khi tạm ngừng kinh doanh?
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh?
Đối với doanh nghiệp thì căn cứ theo khoản 1 Điều 66 Nghị định Nghị định 01/2021/NĐ-CP và điểm c khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp được tạm ngừng không quá 01 năm. Nếu hết thời gian tạm ngừng nhưng vẫn muốn tạm ngừng tiếp thì phải thông báo đến phòng đăng kí kinh doanh.
Đối với hộ kinh doanh, căn cứ theo khoản 1 Điều 91 Nghị định Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì không có thời hạn tạm ngừng kinh doanh đối với hộ kinh doanh.
Mức xử phạt khi không thông báo khi tạm ngừng kinh doanh?
Đối vơi hộ kinh doanh, căn cứ theo quy định tại Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, theo đó:
“Điều 63. Vi phạm về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
c) Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
…”
Như vậy, hộ kinh doanh khi tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo thì có thể bị xử phạt với mức cao nhất là 10.000.000 đồng bên cạnh đó còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Đối với doanh nghiệp, thì căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 50 Nghị định Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì mức phạt đối với vi phạm này như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một việc không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh.
Bên cạnh hình phạt trên, doanh nghiệp cần thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thông báo về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó căn cứ theo điểm c Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.
Như vậy, khi tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp hay hộ kinh doanh đều phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyển. Việc không thông báo sẽ được coi như là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào mức độ thì sẽ có một chế tài xử lí nhất định.
Đặng Anh Duy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tạm ngừng kinh doanh có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hóa đơn bán hàng là gì? Trường hợp nào được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng?
- Giáo dục mầm non là gì? Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm yêu cầu gì theo quy định pháp luật?
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?