Thế nào là chuyển cửa khẩu? Hàng hóa chuyển cửa khẩu có phải chịu sự giám sát của hải quan hay không?
Thế nào là chuyển cửa khẩu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chuyển cửa khẩu là việc chuyển hàng hóa, phương tiện vận tải đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ địa điểm làm thủ tục hải quan này đến địa điểm làm thủ tục hải quan khác.
...
Như vậy, chuyển cửa khẩu được hiểu là việc chuyển hàng hóa, phương tiện vận tải đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ địa điểm làm thủ tục hải quan này đến địa điểm làm thủ tục hải quan khác.
Bênh cạnh đó, giám sát hải quan được hiểu là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, sự tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo quản, lưu giữ, xếp dỡ, vận chuyển, sử dụng hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.
Và, kiểm tra hải quan là việc cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ, tài liệu liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
Chuyển cửa khẩu là gì? Hàng hóa chuyển cửa khẩu có phải chịu sự giám sát của hải quan hay không? (Hình từ Internet)
Hàng hóa chuyển cửa khẩu có phải chịu sự giám sát của hải quan hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 64 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan
1. Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bao gồm hàng hóa quá cảnh và hàng hóa chuyển cửa khẩu.
2. Khi vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, người khai hải quan phải khai tờ khai vận chuyển hàng hóa; nộp hoặc xuất trình chứng từ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 của Luật này.
3. Cơ quan hải quan tiếp nhận tờ khai vận chuyển hàng hóa, kiểm tra các chứng từ và hàng hóa do người khai hải quan xuất trình để quyết định cho phép vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan.
4. Trong thời gian vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, nếu người khai hải quan thực hiện việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác thì phải thông báo và được sự đồng ý của cơ quan hải quan trước khi thực hiện. Cơ quan hải quan có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 02 giờ kể từ khi nhận được thông báo của người khai hải quan.
Như vậy, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bao gồm:
- Hàng hóa quá cảnh;
- Hàng hóa chuyển cửa khẩu.
Do đó, hàng hóa chuyển cửa khẩu sẽ phải chịu sự giám sát của hải quan.
Thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 76 Luật Hải quan 2014 quy định về thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan như sau:
- Thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với người yêu cầu đã được cơ quan hải quan chấp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát được thực hiện như sau:
+ Khi phát hiện lô hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan và thông báo ngay bằng văn bản cho người yêu cầu biết;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan hải quan, người yêu cầu có đơn đề nghị không có yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan thì cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan theo quy định.
+ Trường hợp người nộp đơn yêu cầu bằng văn bản đề nghị tạm dừng, đồng thời nộp một khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 74 của Luật Hải quan 2014 thì cơ quan hải quan quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan.
- Trường hợp chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng chưa có đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát thì cơ quan hải quan quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan nếu đáp ứng các quy định tại khoản 3 Điều 74 của Luật Hải quan 2014.
- Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan ra quyết định.
- Trong trường hợp người yêu cầu tạm dừng có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không quá 20 ngày làm việc với điều kiện người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nộp thêm khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh quy định tại khoản 3 Điều 74 của Luật Hải quan 2014.
- Kết thúc thời hạn tạm dừng quy định tại khoản 3 Điều 76 Luật Hải quan 2014 này mà người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không khởi kiện dân sự và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng.
- Trường hợp người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan rút đơn yêu cầu và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính trước khi kết thúc thời hạn tạm dừng thì cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan ngay cho lô hàng.
- Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp phải thanh toán các khoản chi phí phát sinh bao gồm phí lưu kho, bãi, xếp dỡ, bảo quản hàng hóa cho chủ hàng do việc tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra.
- Cơ quan hải quan hoàn trả các khoản tiền bảo đảm cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp sau khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán các chi phí và thiệt hại phát sinh theo quyết định của cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Thời hạn nộp thuế (nếu có) được tính từ ngày cơ quan hải quan quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng.
Trịnh Kim Quốc Dũng
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chuyển cửa khẩu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức gì? Thành viên hợp danh của công ty hợp danh được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam không?
- Mục đích của đổi mới công nghệ là gì? 04 mục tiêu của chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia là gì?
- Content về ngày 20 11 sáng tạo, thu hút? Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 thứ mấy, ngày mấy âm lịch?
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?