Thế nào là sống thử trước hôn nhân? Những vấn đề pháp lý có thể gặp phải khi sống thử trước hôn nhân?
Sống thử trước hôn nhân có vi phạm pháp luật không?
Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan không có định nghĩa và quy định về khái niệm "Sống thử trước hôn nhân".
Tuy nhiên tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có định nghĩa khái niệm "Chung sống như vợ chồng", chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
Về cơ bản chúng ta có thể hiểu "Sống thử trước hôn nhân" chính là "Chung sống như vợ chồng", ý chỉ những cặp đôi sống chung như vợ chồng nhưng không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, sẽ đăng ký kết hôn theo pháp luật.
Theo đó, pháp luật hiện hành không có quy định cấm việc sống thử trước hôn nhân.
Tuy nhiên, trường hợp người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Các cá nhân nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
- Trường hợp đã bị xử phạt hành chính hay làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
- Nặng hơn, nếu làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát có thể bị bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Sống thử trước hôn nhân, những vấn đề pháp lý có thể gặp phải? (Hình từ Internet)
Sống thử trước hôn nhân, những vấn đề pháp lý có thể gặp phải?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Chính vì không có sự ràng buộc pháp lý hay trở ngại nào nên là sống thử trước hôn nhân chứa đựng rất nhiều rủi ro pháp lý.
Có thể kể đến 03 rủi ro, bất lợi khi sống thử trước hôn nhân sau đây:
(1) Không được pháp luật bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
Sống thử trước hôn nhân không được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng. Do đó, các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không áp dụng cho các cặp đôi sống thử và các cặp đôi này sẽ không được pháp luật hôn nhân bảo vệ khi có sự xuất hiện của người thứ ba trong mối quan hệ.
(2) Khó khăn trong việc đăng ký khai sinh cho con
Trường hợp sống thử và có con thì một vấn đề rắc rối phát sinh ở thời điểm này chính là làm giấy khai sinh cho con.
Một trong những điều kiện cần để làm giấy khai sinh cho con đó là giấy đăng kí kết hôn của bố mẹ hơn nữa theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Nhưng vì pháp luật không công nhận quan hệ hôn nhân giữa những cặp đối sống thử nên trường hợp này, đứa con sinh ra không được công nhận là con chung của một cặp vợ chồng.
Thực tế, có nhiều trường hợp vì các cặp đôi không đăng ký kết hôn mà chỉ sống thử, khi đăng ký khai sinh cho con phải để trống thông tin về người cha theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ:
Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ
...
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
...
Trường hợp muốn có đầy đủ thông tin về người cha trong giấy khai sinh của con phải làm thủ tục nhận cha cho con theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
(3) Tài sản chung, tài sản riêng
Như đã phân tích, việc nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Khi đó, tài sản giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Pháp luật đã quy định tài sản của các cặp đôi chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng trên thực tế, việc phân chia tài sản sẽ rất khó khăn vì nhiều trường hợp các cặp đôi này chia tay không êm đẹp.
Lúc đó, việc phân chia tài sản sẽ giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nhiều trường hợp tài sản giữa các cặp đôi trong thời gian sống thử là công sức, đóng góp từ cả 2 phía nhưng lại chỉ đứng tên của một người do đó rất khó khăn trong việc chứng minh để phân chia tài sản cho hợp lý.
Nhìn chung, sống thử trước hôn nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Do đó, các cặp đôi cần cân nhắc kỹ lưỡng và có sự chuẩn bị cẩn thận trước khi quyết định sống thử.
Quyết định tiến tới hôn nhân sau thời gian sống thử thì đăng ký kết hôn ở đâu?
Theo quy định tại Điều 17 Luật Hộ tịch 2014 và Điều 37 Luật Hộ tịch 2014, khi làm giấy đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ đến UBND cấp huyện hoặc cấp xã, cụ thể:
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cụ thể:
+ Giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
+ Giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
+ Giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn không có yếu tố nước ngoài.
Nguyễn Quốc Bảo
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hôn nhân và gia đình có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu hợp đồng giao khoán của hợp tác xã mới nhất? Hợp tác xã có được tự thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán không?
- Lịch đi nghĩa vụ quân sự năm 2025 chính thức thế nào? Chế độ báo cáo về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025?
- Mua trả chậm và mua trả góp khác nhau thế nào? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi không thanh toán đúng hạn?
- Nhà nước có hỗ trợ hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hay không?
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?