Thời điểm lập hóa đơn bán hàng hóa là trước hay sau khi thu tiền? Hóa đơn hàng hóa được bảo quản và lưu trữ như thế nào?
Thời điểm lập hóa đơn bán hàng hóa là trước hay sau khi thu tiền?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Thời điểm lập hóa đơn
1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
…
Như vậy, theo quy định trên thì thời điểm lập hóa đơn bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua và không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Hóa đơn bán hàng hóa (Hình từ Internet)
Hóa đơn hàng hóa được bảo quản và lưu trữ như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Bảo quản, lưu trữ hóa đơn, chứng từ
1. Hóa đơn, chứng từ được bảo quản, lưu trữ đảm bảo:
a) Tính an toàn, bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ;
b) Lưu trữ đúng và đủ thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán.
2. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.
3. Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, chứng từ đặt in, tự in phải bảo quản, lưu trữ đúng với yêu cầu sau:
a) Hóa đơn, chứng từ chưa lập được lưu trữ, bảo quản trong kho theo chế độ lưu trữ bảo quản chứng từ có giá.
b) Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các đơn vị kế toán được lưu trữ theo quy định lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán.
c) Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các tổ chức, hộ, cá nhân không phải là đơn vị kế toán được lưu trữ và bảo quản như tài sản riêng của tổ chức, hộ, cá nhân đó.
Như vậy, theo quy định trên thì hóa đơn hàng hóa được bảo quản và lưu trữ như sau:
- Tính an toàn, bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ;
- Lưu trữ đúng và đủ thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán.
Chi cục Thuế địa phương có trách nhiệm gì đối với hóa đơn bán hàng hóa?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 57 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Trách nhiệm của cơ quan thuế trong quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử
1. Tổng cục Thuế có trách nhiệm:
a) Xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, chứng từ điện tử để phục vụ công tác quản lý thuế, phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan khác của nhà nước (công an, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, các cơ quan có liên quan), phục vụ nhu cầu xác minh, đối chiếu hóa đơn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân;
b) Thông báo các loại hóa đơn, chứng từ đã được phát hành, được báo mất, không còn giá trị sử dụng.
2. Cục Thuế địa phương có trách nhiệm:
a) Quản lý hoạt động tạo, phát hành hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn;
b) Đặt in, phát hành các loại hóa đơn để bán cho các đối tượng theo quy định tại Nghị định này;
c) Thanh tra, kiểm tra hoạt động tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn, chứng từ trên địa bàn.
3. Chi cục Thuế địa phương có trách nhiệm:
a) Kiểm tra việc sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; sử dụng chứng từ điện tử trong phạm vi được phân cấp quản lý thuế;
b) Theo dõi, kiểm tra hoạt động hủy hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính trong phạm vi được phân cấp quản lý thuế.
Như vậy, theo quy định trên thì Chi cục Thuế địa phương có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; sử dụng chứng từ điện tử trong phạm vi được phân cấp quản lý thuế;
Theo dõi, kiểm tra hoạt động hủy hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính trong phạm vi được phân cấp quản lý thuế.
Bùi Thị Thanh Sương
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hóa đơn bán hàng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chưa có hiệu lực thi hành thì được tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất không?
- Thành viên hộ gia đình là người 17 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền cho hộ gia đình không?
- Đội tuyên truyền giải phóng quân khi thành lập ai làm đội trưởng? Chức năng nhiệm vụ của Quân đội nhân dân như thế nào?
- Hướng dẫn ghi Mẫu 08 Nghị định 98 chi tiết, cụ thể? Tải về file word Mẫu 08 Nghị định 98 mới nhất?
- Mẫu quy trình nghỉ phép, nghỉ việc riêng dành cho người lao động trong doanh nghiệp? Số ngày nghỉ không hưởng lương theo luật lao động?