Thời hạn 03 tháng nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp có được tính từ ngày ký quyết định nghỉ việc hay không?
Thời hạn 03 tháng nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp có tính từ ngày ký quyết định nghỉ việc hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
...
Như vậy, theo quy định này trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, bạn phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu quá thời gian nộp hồ sơ bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp đợt này.
Do đó, thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp của bạn là 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động với công ty ghi trong quyết định nghỉ việc của bạn không phải tính từ thời điểm giám đốc công ty bạn ký quyết định nghỉ việc.
Thời hạn 03 tháng nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp có được tính từ ngày ký quyết định nghỉ việc hay không? (Hình từ internet)
Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động gồm có những gì?
Về hồ sơ căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) thì gồm các giấy tờ sau:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
+ Quyết định thôi việc;
+ Quyết định sa thải;
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
+ Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;
+ Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
+ Trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì thực hiện theo quy trình pháp luật quy định.
+ Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, theo quy định trên thì hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bạn thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động cần phải có sổ bảo hiểm xã hội; Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Số tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau khi đã đóng bảo hiểm được 2 năm 8 tháng là bao nhiêu?
Về số tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ dựa theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013, cụ thể nội dung như sau:
"Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này."
Áp dụng vào trường hợp của bạn, bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 2 năm 8 tháng nên bạn sẽ được hưởng 3 tháng tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Mỗi tháng hưởng trợ cấp bạn sẽ nhận được 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Ngô Diễm Quỳnh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bảo hiểm thất nghiệp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?
- Chi cục thuế Hà Nội ở đâu? Tổng hợp danh sách số điện thoại, các phòng và các chi cục thuế trên địa bàn Hà Nội chuẩn, chính xác?
- Hạn chót nộp bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2A, 2B là khi nào? Nội dung cần làm rõ trong bản kiểm điểm?
- Đảng viên nào được miễn kiểm điểm cuối năm nay? Trách nhiệm, quyền hạn của Đảng viên được miễn kiểm điểm cuối năm nay?