Thời hạn hoãn phiên tòa dân sự tối đa là bao lâu? Nếu người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm thì có phải tạm hoãn phiên tòa hay không?
Nếu người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm thì có phải tạm hoãn phiên tòa hay không?
Căn cứ theo Điều 229 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về sự có mặt của người làm chứng tại phiên tòa sơ thẩm như sau:
Sự có mặt của người làm chứng
1. Người làm chứng có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án.
2. Trường hợp người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa.
Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử trong trường hợp người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó họ đã có lời khai trực tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án. Chủ toạ phiên tòa công bố lời khai đó.
Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án.
3. Người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến phiên tòa theo quyết định của Hội đồng xét xử, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
Đồng thời, theo Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng như sau:
Quyền, nghĩa vụ của người làm chứng
...
8. Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa xét sử sơ thẩm vụ án dân sự thì sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể để quyết định có tiếp tục hay sẽ tạm hoãn phiên tòa. Cụ thể:
- Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó họ đã có lời khai trực tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án thì Hội đồng xét xử vẫn sẽ tiến hành phiên tòa;
- Trường hợp nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa mà gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án thì Hội đồng xét xử sẽ quyết định hoãn phiên tòa.
Tạm hoãn phiên tòa (Hình từ Internet)
Thời hạn hoãn phiên tòa tối đa là bao lâu theo quy định hiện nay?
Tại Điều 233 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa như sau:
Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa
1. Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231 và Điều 241 của Bộ luật này. Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
2. Quyết định hoãn phiên tòa phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án và họ, tên những người tiến hành tố tụng;
c) Vụ án được đưa ra xét xử;
d) Lý do của việc hoãn phiên tòa;
đ) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
3. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai tại phiên tòa; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
4. Trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Như vậy, theo quy định hiện nay, thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Lời khai của người làm chứng cần đáp ứng yêu cầu gì thì mới được xem là chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự?
Theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì lời khai của người làm chứng được xem là một trong những nguồn chứng cứ. Đồng thời, căn cứ theo Điều 93 và Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để được xem là chứng cứ giải quyết vụ án dân sự thì lời khai của người làm chứng cần đáp ứng những yêu cầu sau đây:
- Đây là những gì có thật được giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
- Được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hoãn phiên tòa có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?