Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại là trong bao lâu? Khi áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì có tốn phí hay không?
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì các bên phải đáp ứng các điều kiện nào?
Căn cứ Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về điều kiện để áp dụng trọng tài thương mại như sau:
"Điều 5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác."
Theo quy định vừa nêu trên thì điều kiện để áp dụng trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp giữa các bên là do sự thỏa thuận của các bên.
Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại phải có những nội dung nào?
Căn cứ Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo như sau:
"Điều 30. Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo
1. Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.
2. Đơn khởi kiện gồm có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
c) Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
d) Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
đ) Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
e) Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
3. Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan."
Theo đó, nội dung của đơn khởi kiện phải đảm bảo thể hiện được các nội dung như:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
- Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
- Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
- Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
- Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại là trong bao lâu? (Hình từ Internet)
Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh cấp bằng Trọng tài thương mại là trong bao lâu?
Căn cứ Điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại như sau:
"Điều 33. Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm"
Như vậy, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Khi áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì có tốn phí hay không?
Căn cứ Điều 34 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về phí trọng tài như sau:
"Điều 34. Phí trọng tài
1. Phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Phí trọng tài gồm:
a) Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên;
b) Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;
c) Phí hành chính;
d) Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;
đ) Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.
2. Phí trọng tài do Trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài vụ việc, phí trọng tài do Hội đồng trọng tài ấn định.
3. Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác."
Như vậy, khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thì bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.
Phí trọng tài thương mại bao gồm các khoản phí như:
- Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên;
- Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;
- Phí hành chính;
- Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;
- Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.
Trần Thành Nhân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trọng tài thương mại có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 lưu ý quan trọng khi đánh giá xếp loại đảng viên cuối năm? Điều kiện cơ bản để được đánh giá xếp loại?
- Hóa đơn bán hàng là gì? Trường hợp nào được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng?
- Giáo dục mầm non là gì? Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm yêu cầu gì theo quy định pháp luật?
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?