Cách tính phụ cấp độc hại, nguy hiểm của cán bộ, công chức, viên chức trước và sau thực hiện cải cách tiền lương 2024 có gì khác nhau?
- Cách tính phụ cấp độc hại, nguy hiểm của cán bộ trước và sau thực hiện cải cách tiền lương 2024 có gì khác nhau?
- Cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức có gì thay đổi sau thực hiện cải cách tiền lương 2024?
- Cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị bãi bỏ những khoản bồi dưỡng nào sau cải cách tiền lương 2023?
Cách tính phụ cấp độc hại, nguy hiểm của cán bộ trước và sau thực hiện cải cách tiền lương 2024 có gì khác nhau?
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm là khoản phụ cấp được chi trả cùng với tiền lương và khoản này được hưởng khi làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có điều kiện làm việc độc hại, nguy hiểm cao hơn bình thường.
Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội thông qua vào 10/11 đã quyết nghị thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành từ ngày 01/7/2024.
Theo đó, phụ cấp độc hại, nguy hiểm trước và sau thực hiện cải cách tiền lương 2024 như sau:
(*) Trước thực hiện cải cách tiền lương 2024 (phụ cấp độc hại, nguy hiểm hiện nay):
Hiện nay, phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo quy định tại Thông tư 07/2005/TT-BNV với công thức sau:
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm = Lương cơ sở x Hệ số |
Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức được chia thành 4 mức 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4.
Từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng (theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP).
Do đó, hiện nay, số tiền phụ cấp độc hại, nguy hiểm mà cán bộ, công chức, viên chức được hưởng cụ thể như sau:
Mức | Hệ số | Mức tiền phụ cấp |
1 | 0,1 | 180.000 đồng/tháng |
2 | 0,2 | 360.000 đồng/tháng |
3 | 0,3 | 540.000 đồng/tháng |
4 | 0,4 | 720.000 đồng/tháng |
Ngoài ra, tương ứng với từng mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm mà sẽ có những đối tượng cán bộ, công chức, viên chức sau được hưởng:
(1) Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:
- Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.
- Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.
- Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.
- Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
(2) Mức 2, hệ số 0,2 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại (1).
(3) Mức 3, hệ số 0,3 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có ba trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại (1).
(4) Mức 4, hệ số 0,4 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại (1).
(*) Cách tính phụ cấp độc hại, nguy hiểm sau cải cách tiền lương 2024:
Tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đã thống nhất loại bỏ các loại phụ cấp sau:
+ Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức);
+ Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ);
+ Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);
+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Tuy nhiên, phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ được thực hiện lại như sau:
Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...).
Như vậy, sau thực hiện cải cách tiền lương 2024 thì các mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm từ 0,1 đến 0,4 sẽ bị bãi bỏ. Thay vào đó, phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ được cơ cấu lại chung với phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề nên sẽ không còn tên gọi phụ cấp độc hại, nguy hiểm mà trở thành phụ cấp theo nghề.
Cách tính phụ cấp độc hại, nguy hiểm của cán bộ trước và sau thực hiện cải cách tiền lương 2024 có gì khác nhau?
Cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức có gì thay đổi sau thực hiện cải cách tiền lương 2024?
Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thì khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 sẽ có hai thay đổi lớn sau về cơ cấu tiền lương:
(1) Lương cơ sở và hệ số lương hiện nay chính thức bị bãi bỏ trên cơ sở xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
(2) Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm:
- Lương cơ bản;
- Phụ cấp;
- Ngoài ra còn bổ sung thêm khoản tiền thưởng.
Trong đó:
Lương cơ bản: chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương
Các khoản phụ cấp: chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.
Tiền thưởng: quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực nhận lương theo công thức tạm tính sau:
Lương thực nhận = Lương cơ bản + Phụ cấp (nếu có) + Thưởng (nếu có) |
Cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị bãi bỏ những khoản bồi dưỡng nào sau cải cách tiền lương 2023?
Ngoài những khoản phụ cấp thì hiện nay cán bộ, công chức, viên chức trong một số trường hợp còn được hưởng một số khoản bồi dưỡng nhất định.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có quy định đối với các khoản bồi dưỡng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sau sẽ bị bãi bỏ:
+ Tiền bồi dưỡng họp;
+ Tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo...
Ngoài ra, các ché độ ngoài lương sẽ được khoán và chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn lực thực hiện.
Phạm Phương Khánh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phụ cấp độc hại có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sau khi nộp tiền thuế, người nộp thuế có được nhận chứng từ thu tiền thuế? Trách nhiệm nộp tiền thuế của người nộp thuế?
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?