Chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 được quy định thế nào?
- Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuân thủ theo những nguyên tắc nào?
- Có bao nhiêu lĩnh vực thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023?
- Các chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 được quy định thế nào?
- Giải pháp thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 ra sao?
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuân thủ theo những nguyên tắc nào?
Nguyên tắc thực hành tiết kiêm, chống lãng phí được quy định tại Điều 4 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 với những nội dung sau:
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát;
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và quy định khác của pháp luật;
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;
- Thực hiện phân cấp quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuân thủ theo 05 nguyên tắc nêu trên.
Chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu lĩnh vực thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023?
Căn cứ theo Quyết định 1658/QĐ-TTg năm 2022 về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 (sau đây gọi tắt là "Chương trình").
Tại Mục II Chương trình ban hành kèm theo Quyết định 1658/QĐ-TTg năm 2022, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện đối với tất cả các lĩnh vực theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013.
Trong đó, một số lĩnh vực nổi bật bao gồm:
- Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước;
- Quản lý, sử dụng vốn đầu tư công;
- Quản lý, sử dụng tài sản công;
- Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên;
- Quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp;
- Tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.
Các chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 được quy định thế nào?
Theo tiểu mục 2 Mục II Chương trình ban hành kèm theo Quyết định 1658/QĐ-TTg năm 2022, các chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 được xác định như sau:
- Bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công, khả năng thực hiện và giải ngân của dự án;
- Đảm bảo hoàn thiện đầy đủ các thủ tục đầu tư của dự án và tuân thủ thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, B, C theo quy định của Luật Đầu tư công;
- Thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;
- Bố trí đủ vốn cho:
+ Các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2023,
+ Vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài
+ Vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP
+ Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch;
+ Các dự án quan trọng quốc gia;
+ Dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững;
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
- Rà soát các khoản tạm ứng đảm bảo việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng và quy định pháp luật;
- Hoàn thành nghiệm thu khối lượng để thực hiện thu hồi số vốn đã tạm ứng theo đúng thời hạn đã được quy định;
- Tăng cường kiểm tra việc tạm ứng hợp đồng, tạm ứng theo dự toán được cấp có thẩm quyền, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý việc sử dụng vốn tạm ứng không đúng quy định của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng.
Như vậy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 sẽ hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên.
Giải pháp thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 ra sao?
Căn cứ vào tiểu mục 3 Mục III Chương trình ban hành kèm theo Quyết định 1658/QĐ-TTg năm 2022, giải pháp thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 được chỉ định như sau:
- Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Luật liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công đang còn bất cập, thiếu đồng bộ, không phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn;
- Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư, khắc phục tối đa tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn;
- Đẩy mạnh công tác số hóa quy trình phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công, lập dự toán và công tác kế toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước, quản lý, giám sát vốn đầu tư công;
- Hiện đại hóa công tác quản lý vốn đầu tư công như kết nối thông tin, chương trình, báo cáo liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan.
- Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn;
- Có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công;
- Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Như vậy, để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 đối với quản lý, sử dụng vốn đầu tư công cần thực hiện theo các giải pháp nêu trên.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chống lãng phí có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?