Công chức muốn giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi năm 2023 thì cần thực hiện theo thủ tục như thế nào?
Năm 2023, tuổi nghỉ hưu của công chức được quy định như thế nào?
Theo Điều 60 Luật Cán bộ công chức 2008 quy định về tuổi nghỉ hưu của công chức như sau:
- Công chức được nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật lao động.
- Trước 06 tháng, tính đến ngày công chức nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 tháng, tính đến ngày công chức nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức ra quyết định nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tuổi nghỉ hưu
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của công chức làm việc trong điều kiện bình thường năm 2023 sẽ là 60 tuổi 9 tháng đối với nam và 56 tuổi đối với nữ.
*Việc xác định tuổi nghỉ hưu đối với công chức được hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị định 46/2010/NĐ-CP như sau:
- Thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 của tháng liền kề sau tháng công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
+ Trường hợp trong hồ sơ của công chức không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
- Thời điểm nghỉ hưu được lùi theo một trong các trường hợp sau:
+ Không quá 01 tháng đối với một trong các trường hợp: thời điểm nghỉ hưu trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán; công chức có vợ hoặc chồng, bố, mẹ (vợ hoặc chồng), con bị từ trần, bị Tòa án tuyên bố mất tích; bản thân và gia đình công chức bị thiệt hại do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn;
+ Không quá 03 tháng đối với một trong các trường hợp: bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện;
+ Không quá 06 tháng đối với trường hợp đang điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, có giấy xác nhận của bệnh viện.
+ Công chức được lùi thời điểm nghỉ hưu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 46/2010/NĐ-CP thì chỉ được thực hiện theo quy định đối với một trường hợp có thời gian lùi thời điểm nghỉ hưu nhiều nhất.
+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức quyết định việc lùi thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 46/2010/NĐ-CP, trừ trường hợp công chức không có nguyện vọng lùi thời điểm nghỉ hưu.
Năm 2023, Công chức muốn giám định sức khỏe để nghỉ hưu thì thực hiện theo thủ tục như thế nào?(Hình internet)
Công chức nghỉ hưu trước tuổi cần bảo đảm những điều kiện gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 cho thấy công chức còn có thể nghỉ hưu trước tuổi tối đa 05 tuổi nếu đủ các điều kiện như:
- Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên
Có một trong các điều kiện sau đây:
- Đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 01/01/2021.
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Cán bộ, công chức, viên chức được về hưu trước tuổi tối đa 10 tuổi khi:
- Có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức còn có thể được hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
Thủ tục giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi của công chức thực hiện ra sao?
Theo quy định của pháp luật, khi đăng ký nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, người lao động phải thực hiện giám định sức khỏe. Thủ tục giám định y khoa (GĐYK) về hưu trước tuổi được quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017.
*Hồ sơ giám định sức khỏe nghỉ hưu trước tuổi sẽ bao gồm :
- Giấy giới thiệu của NSDLĐ theo mẫu quy định đối với NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc; Mẫu giấy giới thiệu được quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.
- Trường hợp NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc NLĐ đã có quyết định nghỉ việc và đang trong thời gian chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng thì cần chuẩn bị Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật
- Một trong các giấy tờ có ảnh :
+ CMND/CCCD; Hộ chiếu còn hiệu lực.
+ Trường hợp NLĐ bị mất/ thất lạc hoặc không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã. Trong giấy xác nhận phải có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh (được cấp trong thời gian không quá 03 tháng)
*Thủ tục khám giám định y khoa về hưu trước tuổi
Thủ tục giám định sức khỏe nghỉ hưu trước tuổi 2023 bao gồm các bước sau:
Bước 1: Lập hồ sơ khám giám định.
- Đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã có quyết định nghỉ việc, đang trong thời gian chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng: Tự mình lập đầy đủ 01 bộ hồ sơ.
- Đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp: trách nhiệm lập hồ sơ giám định y khoa về hưu trước tuổi thuộc về NSDLĐ.
Bước 2: Nộp hồ sơ khám giám định.
Người có trách nhiệm lập hồ sơ khám GĐYK nghỉ hữu trước tuổi phải gửi đầy đủ 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh.
Việc nộp hồ sơ sẽ được thực hiện trực tiếp Trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện.
Bước 3: Tiến hành khám giám định.
Căn cứ hồ sơ của đối tượng giám định, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định theo đúng thời gian quy định của pháp luật.
Trường hợp không thực hiện khám giám định, trong thời gian 10 ngày làm việc, Hội đồng GĐYK cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết. Trong văn bản trả lời phải nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc không tổ chức khám giám định của Hội đồng.
Bước 4: Nhận Biên bản GĐYK
Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi Hội đồng có kết luận, cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK có trách nhiệm phát hành Biên bản GĐYK.
Châu Thị Nhựt Nam
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nghỉ hưu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?