Đại lý viễn thông là gì? Doanh nghiệp phải đảm bảo các loại giấy phép nào để được kinh doanh viễn thông?
Đại lý viễn thông là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Viễn thông 2009 quy định khái niệm viễn thông như sau:
Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác.
Đồng thời theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Viễn thông 2009, quy định khái niệm đại lý dịch vụ viễn thông:
Đại lý dịch vụ viễn thông là tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp viễn thông để hưởng hoa hồng hoặc bán lại dịch vụ viễn thông để hưởng chênh lệch giá.
Như vậy, có thể thấy không có khái niệm cho đại lý viễn thông mà tên gọi chính xác phải là đại lý dịch vụ viễn thông, tên gọi dùng để chỉ tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp viễn thông để hưởng hoa hồng hoặc bán lại dịch vụ viễn thông để hưởng chênh lệch giá.
Có thể hiểu, đại lý viễn thông chỉ là tên gọi tắt, gọi ngắn gọn của đại lý dịch vụ viễn thông.
Đại lý viễn thông là gì? Có các hình thức kinh doanh viễn thông nào theo quy định mới nhất? (Hình từ Internet)
Quyền và nghĩa vụ của đại lý viễn thông được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Luật Viễn thông 2009, đại lý dịch vụ viễn thông có các quyền và nghĩa vụ sau:
Quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông
Ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại Luật thương mại, đại lý dịch vụ viễn thông còn có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
1. Thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối tại địa điểm được sử dụng để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông tại địa điểm đó theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông;
2. Thực hiện việc cung cấp, bán lại dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật này;
3. Từ chối cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm quy định tại Điều 12 của Luật này hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
4. Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin;
5. Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông hướng dẫn, cung cấp thông tin về dịch vụ viễn thông và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của doanh nghiệp viễn thông đó;
6. Thực hiện thời gian cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định của chính quyền địa phương;
7. Cung cấp dịch vụ viễn thông theo chất lượng và giá cước trong hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông.
Như vậy, đại lý dịch vụ viễn thông sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Thương mại 2005 và 07 quyền và nghĩa vụ nêu trên.
Có các hình thức kinh doanh viễn thông nào?
Theo quy định lại Điều 13 Luật Viễn thông 2009, hình thức kinh doanh viễn thông được quy định như sau:
Hình thức kinh doanh viễn thông
1. Kinh doanh viễn thông bao gồm kinh doanh dịch vụ viễn thông và kinh doanh hàng hóa viễn thông.
Kinh doanh dịch vụ viễn thông là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông nhằm mục đích sinh lợi.
Kinh doanh hàng hóa viễn thông là hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, cho thuê phần mềm và vật tư, thiết bị viễn thông nhằm mục đích sinh lợi.
2. Việc kinh doanh dịch vụ viễn thông phải theo các quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc kinh doanh hàng hóa viễn thông phải theo các quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, hiện nay có 02 hình thức kinh doanh viễn thông: kinh doanh dịch vụ viễn thông và kinh doanh hàng hóa viễn thông.
Để được kinh doanh viễn thông thì doanh nghiệp phải có các loại giấy phép nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Luật Viễn thông 2009, giấy phép kinh doanh viễn thông bao gồm: giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông.
* Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:
- Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng;
- Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.
* Giấy phép nghiệp vụ viễn thông bao gồm:
- Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, có thời hạn không quá 25 năm được cấp cho tổ chức lắp đặt cáp viễn thông trên biển cập bờ hoặc đi qua vùng nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam;
- Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho tổ chức thiết lập mạng dùng riêng;
- Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 01 năm được cấp cho tổ chức thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông.
Trịnh Ngọc Diệp
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Kinh doanh viễn thông có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu tờ khai đăng ký hành nghề công tác xã hội là mẫu nào? Hồ sơ đề nghị cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội?
- Ngày 9 tháng 11 có phải là Ngày Pháp luật nước Việt Nam không? Ngày Pháp luật tổ chức nhằm tôn vinh những gì?
- Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ngày bao nhiêu tháng 11? Có tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam không?
- Khuyết tật trí tuệ là gì? Có bao nhiêu mức độ khuyết tật trí tuệ? Việc xác định mức độ khuyết tật như thế nào?
- Mẫu báo cáo kê khai sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê từ ngày 1/1/2025 áp dụng đối với tài sản phục vụ công tác quản lý ra sao?