Đến năm 2030, 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam? Việt Nam cần làm gì để phát triển nguồn cung cấp gạo?
Đến năm 2030, 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam?
Ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 583/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
Trong đó, Quyết định 583/QĐ-TTg năm 2023 đề ra 04 mục tiêu cụ thể như sau:
(1) Tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%,
(2) Chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu
- Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%.
Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.
- Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.
(3) Tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu gạo Việt Nam vào các thị trường
- Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%: nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.
- Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Víetnam rice vào năm 2030.
(4) Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới
- Đến năm 2025, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 4%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 3%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 7%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.
- Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.
Đến năm 2030, 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam? Việt Nam cần làm gì để phát triển nguồn cung cấp gạo?
Việt Nam cần làm gì để phát triển nguồn cung cấp gạo?
Cũng tại Quyết định 583/QĐ-TTg năm 2023, Chính phủ đặt ra 05 giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng tăng và thương mại gạo thế giới đối mặt với nhiều diễn biến khó đoán định như thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại,....
Các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó có giải pháp về nguồn cung gạo cụ thể như sau:
(1) Thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các định hướng giải pháp về sản xuất (định hướng quy hoạch, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng cơ giới hóa, cải tiến công nghệ sau thu hoạch, phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ,...) tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.
Nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gạo trong nước về chất lượng, áp dụng tiêu chuẩn mang tính đồng bộ, tận dụng lợi thế sản xuất theo quy mô, tăng cường quảng bá nâng cao thương hiệu.
- Triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Phát triển giống lúa có tính chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thích hợp thổ nhưỡng của từng vùng miền Việt Nam, giảm tác động tiêu cực với môi trường, phục tráng và duy trì các giống lúa đặc sản chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu thị trường về gạo chất lượng. Từ đó phát triển thành thương hiệu gạo thân thiện môi trường để hướng tới các thị trường tiêu chuẩn cao, giá trị cao.
- Định hướng sản xuất, chú trọng điều chỉnh theo hướng tăng cường bảo quản, chế biến từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Cụ thể:
+ Áp dụng các giải pháp đồng bộ để chấm dứt hiện tượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định tại các thị trường nhập khẩu;
+ Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, tránh để các nước có lý do gây bất lợi cho sản phẩm xuất khẩu;
+ Hỗ trợ các thương nhân thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc trong trường hợp đối tác nhập khẩu có đề nghị.
- Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sản phẩm lúa gạo; triển khai hiệu quả Chương trình phát triển trí tuệ đến năm 2030, trong đó ưu tiên hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong và ngoài nước cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các nhãn hiệu liên quan đến sản phẩm gạo.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng (công nghệ sau thu hoạch, kho chứa bảo quản để đảm bảo sản phẩm); đầu tư phát triển mạnh hơn các loại gạo giá trị cao, đã tạo được hình ảnh thương hiệu như ST24, ST25,... nhằm tăng cường xuất khẩu các mặt hàng gạo thơm chất lượng cao.
- Các cơ sở sản xuất, thương nhân chủ động nắm bắt thông tin, thực hiện văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của các bộ, ngành để tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu.
- Các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, định hướng thị trường; hỗ trợ nông dân, thương nhân trong công tác đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
- Rà soát, đàm phán ký kết hiệp định, thỏa thuận về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với các thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam làm cơ sở định hướng sản xuất và xuất khẩu.
- Hướng dẫn và tạo điều kiện thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
(2) Kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến thực hiện sản xuất nông nghiệp xanh
- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất: i) giảm phụ thuộc vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng thóc, gạo, gây ô nhiễm môi trường; ii) tăng năng suất và chất lượng của thóc, gạo, nâng giá xuất khẩu.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lứa, ngăn chặn việc sử dụng đại trà thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của thị trường.
(3) Quản lý và kiểm soát nhập khẩu gạo, đảm bảo sản xuất trong nước
Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng gạo nhập khẩu thông qua áp dụng các biện pháp phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại và hệ thống, cảnh báo sớm.
Giải pháp cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu gạo Việt Nam được Chính phủ đề ra là gì?
Tại Quyết định 583/QĐ-TTg năm 2023, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu gạo Việt Nam như sau:
(1) Đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại
- Yêu cầu tiếp tục triển khai hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) hỗ trợ các thương nhân kinh doanh gạo, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam thông qua chương trình cấp quốc gia về XTTM, chương trình thương hiệu quốc gia và các chương trình, đề án liên quan của các bộ, ngành, địa phương.
Tập trung hoạt động XTTM vào các thị trường trọng điểm, truyền thống và các thị trường mới, tiềm năng.
- Cũng đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp XTTM truyền thống hiệu quả như tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại chuyên đề, quy định đăng ký và quản lý thương hiệu trong nước cũng như sản phẩm xuất khẩu, gắn thương hiệu với các sản phẩm chế biến từ gạo...;
Kết hợp đẩy mạnh triển khai các giải pháp XTTM mới và hiện đại thông qua các hình thức trực tuyến, áp dụng nền tảng số để thích nghi với bối cảnh mới.
- Xây dựng hệ thống thông tin, dự báo về tình hình thị trường để thương nhân và người dân có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu; tổ chức lập cơ sở dữ liệu về các biện pháp kiểm dịch, an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các thương nhân tham khảo; đồng thời tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu này để thương nhân chủ động kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo, cụ thể:
+ Thiết lập sự hiện diện thương mại trực tiếp ở các thị trường nước ngoài;
+ Thiết lập kho chứa và hệ thống phân phối trực tiếp;
+ Thiết lập bộ phận chuyên trách về tiếp thị lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung sang các thị trường xuất khẩu trọng điểm;
+ Thúc đẩy xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao có giá trị gia tăng cao của Việt Nam với khối lượng nhỏ để thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.
(2) Đối với cơ sở hạ tầng, logistics, thương mại điện tử và chuyển đổi số
- Quy hoạch phát triển xây dựng hệ thống cảng biển, cửa khẩu để vận chuyển thóc, gạo hàng hóa và xuất khẩu trực tiếp.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt; quy hoạch phát triển xây dựng hệ thống cảng sông, cảng biển để vận chuyển thóc, gạo hàng hóa và xuất khẩu trực tiếp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Phát triển dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu gạo tham gia vào hệ thống thương mại điện tử đang phát triển hiện nay, cải tiến đa dạng hóa các loại hình dịch vụ logistics, áp dụng công nghệ hiện đại về kỹ thuật và quản lý để giảm thời gian lưu tàu tại cảng, giảm chi phí bốc dỡ; có giải pháp giảm giá cước tàu và container; đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu gạo.
- Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ ngành xuất khẩu gạo; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ; hoàn thiện, tăng cường kết nối, tích hợp giữa hạ tầng thương mại điện tử với hạ tầng thanh toán.
- Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động XTTM của các tổ chức XTTM, thương nhân, hợp tác xã tham gia sản xuất, cung ứng, xuất khẩu gạo. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số trong thương nhân, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu.
- Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh gạo, chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.
- Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, thương nhân; giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với hội, hiệp hội logistics để tạo hiệu quả cao nhất trong nỗ lực chuyển đổi số.
(3) Đối với công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, những biện pháp bảo hộ quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế, gây khó khăn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam
- Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các thương nhân để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thương nhân cách ứng phó với các vụ kiện khi nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng.
- Hướng dẫn và đồng hành cùng thương nhân trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các sắc thuế phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, vi phạm quy định của WTO.
- Rà soát và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ ngành lúa gạo của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Nguyễn Trần Hoàng Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Xuất khẩu gạo có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai?
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?