Hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt là bao nhiêu?
Khái niệm biển báo giao thông theo Luật Giao thông đường bộ là gì?
Thực tế, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về khái niệm biển báo giao thông, tuy nhiên, có thể hiểu, biển báo giao thông là các biển hiệu được đặt trên đường để biểu thị, truyền đạt các thông tin đến người tham gia giao thông.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm:
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Như vậy, biển báo giao thông thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ. Nếu ở cùng một khu vực mà đồng thời có các hình thức báo hiệu khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh theo thứ tự sau:
- Đầu tiên là hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
- Thứ hai là hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
- Thứ ba là hiệu lệnh của biển báo giao thông;
- Thứ tư là hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên đường.
Chú ý: Trường hợp ở một vị trí đã có biển báo cố định lại có biển khác có tính chất tạm thời mà 02 biển có ý nghĩa khác nhau thì phải chấp hành theo biển báo có tính chất tạm thời.
Hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt là bao nhiêu? (Hình internet)
Hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt là bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định Vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự như sau:
Vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự ý xê dịch các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tự ý xê dịch, tháo dỡ cột dây điện thoại, điện tín, cột đèn, hàng rào của các cơ quan nhà nước hoặc các công trình công cộng khác;
b) Tháo dỡ, phá hủy hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức;
c) Phá hoại, làm hư hỏng tài sản, hiện vật tại mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu; leo trèo hoặc thực hiện các hành vi khác tác động lên cổng, cửa, tường rào của mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu khi chưa được phép.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Như vậy, từ quy định nêu trên có thể thấy rằng, tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự ý xê dịch các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức.
Do đó, với hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Lưu ý: mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần cá nhân.
Một số loại biển báo cấm cần chú ý khi đi đường?
*Biển báo giao thông cấm đi ngược chiều
Theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, biển báo cấm đi ngược chiều có dạng hình tròn, nền đỏ và một gạch ngang to màu trắng ở giữa. Biển báo cấm đi ngược chiều được đặt ở đầu các tuyến đường một chiều nên nhiều người còn gọi là biển báo hiệu đường 1 chiều.
Biển báo cấm đi ngược chiều có ý nghĩa báo hiệu đoạn đường phía trước cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ như xe cứu hỏa; xe quân sự, xe công an đi, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương; xe hộ đê,… Riêng người đi bộ được phép đi trên vỉa hè hoặc lề đường.
*Biển Cấm người đi bộ
Theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông dành cho người đi bộ bao gồm các biển báo sau:
- Biển báo P.112 “Cấm người đi bộ”: Có ý nghĩa báo hiệu đoạn đường phía trước cấm người đi bộ qua lại. Biển này được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm, có giá trị trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn đường theo biển báo trên đường.
*Biển báo Đường người đi bộ cắt ngang
- Biển báo W.224 “Đường người đi bộ cắt ngang”: Có ý nghĩa báo trước sắp tới phần đường dành cho người đi bộ sang qua đường. Khi gặp biển này, các phương tiện phải giảm tốc độ, nhường ưu tiên cho người đi bộ. Các xe chỉ được phép chạy khi không gây nguy hiểm cho người đi bộ.
*Biển báo giao thông cấm đỗ xe
Căn cứ Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông cấm đỗ xe bao gồm 03 biển báo con: Biển báo P.131a, P.131b và P.131c.
- Biển báo P.131a: Cấm các phương tiện giao thông đỗ xe ở đoạn đường có lắp đặt biển báo này, ngoại trừ xe ưu tiên làm nhiệm vụ.
- Biển báo P.131b: Cấm đỗ xe ngày lẻ của tháng, trừ xe ưu tiên làm nhiệm vụ.
- Biển báo P.131c: Cấm các phương tiện đỗ xe trong các ngày chẵn của tháng, trừ các xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ được ưu tiên.
Châu Thị Nhựt Nam
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Biển báo giao thông có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan là hạt nhân chính trị ở cơ sở đúng không? Nhiệm vụ lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng?
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?