Hướng dẫn địa điểm tổ chức phiên đấu giá tài sản từ 01/01/2025? Xem tài sản đấu giá được tổ chức như thế nào?
Hướng dẫn địa điểm tổ chức phiên đấu giá tài sản từ 01/01/2025 theo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 như thế nào?
Căn cứ theo Điều 37 Luật Đấu giá tài sản 2016 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 quy định về địa điểm tổ chức phiên đấu giá tài sản như sau:
(1) Người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thỏa thuận lựa chọn địa điểm để tổ chức phiên đấu giá như sau:
- Địa điểm trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản đấu giá hoặc nơi có tài sản đấu giá trong trường hợp tài sản là động sản;
- Địa điểm trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá trong trường hợp tài sản là bất động sản;
Trường hợp tài sản là bất động sản ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau thì người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lựa chọn địa điểm tại một trong các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản, trụ sở của người có tài sản đấu giá hoặc trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
(2) Trường hợp sau khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước theo Quy chế cuộc đấu giá mà địa điểm tổ chức phiên đấu giá không đáp ứng được điều kiện tổ chức thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thực hiện như sau:
- Thỏa thuận thống nhất với người có tài sản đấu giá bằng văn bản về việc thay đổi địa điểm tổ chức phiên đấu giá nhưng phải trong phạm vi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thông báo công khai;
- Thông báo bằng văn bản về địa điểm tổ chức phiên đấu giá cho người tham gia đấu giá đủ điều kiện.
Việc thông báo phải thực hiện chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá được xác định trong Quy chế cuộc đấu giá đã ban hành.
Hướng dẫn địa điểm tổ chức phiên đấu giá tài sản từ 01/01/2025? Xem tài sản đấu giá được tổ chức như thế nào? (Hình từ Internet)
Xem tài sản đấu giá được tổ chức như thế nào?
Căn cứ theo Điều 36 Luật Đấu giá tài sản 2016 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 quy định về xem tài sản đấu giá như sau:
- Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phối hợp với người có tài sản đấu giá tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu tài sản, giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và tài liệu liên quan (nếu có).
Trên tài sản hoặc mẫu tài sản phải ghi rõ tên của người có tài sản đấu giá và thông tin về tài sản.
Trường hợp tài sản đấu giá là quyền tài sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phối hợp với người có tài sản đấu giá tổ chức cho người tham gia đấu giá xem giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và tài liệu liên quan (nếu có).
- Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phối hợp với người có tài sản đấu giá tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản đấu giá trong giờ hành chính, ít nhất là 03 ngày làm việc liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở phiên đấu giá.
Ai không được đăng ký tham gia đấu giá tài sản theo quy định?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản 2016 có cụm từ này bị thay thế bởi điểm b, i khoản 45 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá:
(1) Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
(2) Người làm việc trong tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành phiên đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản;
(3) Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật;
(4) Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại (3);
(5) Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.
Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024.
Nguyễn Thị Minh Hiếu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đấu giá tài sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hành lý sẽ được thanh lý trong trường hợp nào? Thủ tục thanh lý hành lý được thực hiện như thế nào?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú với đảng viên là cán bộ công chức viên chức đi học tập trung 12 tháng trong năm?
- Anh em họ hàng chung sống với nhau như vợ chồng bị phạt bao nhiêu? Giải quyết hậu quả việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thế nào?
- Mẫu Bản kiểm điểm Đảng viên của Bí thư đảng đoàn mới nhất? Tải mẫu ở đâu? Nội dung kiểm điểm của Bí thư đảng đoàn?
- Kỳ kế toán năm đầu tiên ngắn hơn 90 ngày thì có được cộng qua năm sau để tính thành một kỳ kế toán năm không?