Hướng dẫn mới nhất về quyền nhân thân trong sở hữu trí tuệ theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP ra sao?
Quyền nhân thân trong sở hữu trí tuệ bao gồm những quyền gì?
Căn cứ quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 như sau:
Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm:
1. Đặt tên cho tác phẩm.
Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì quyền nhân thân trong sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Quyền đặt tên cho tác phẩm;
- Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm;
- Quyền công bố tác phẩm;
- Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Hướng dẫn mới nhất về quyền nhân thân trong sở hữu trí tuệ theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP ra sao?
Hướng dẫn mới nhất về quyền nhân thân trong sở hữu trí tuệ theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP ra sao?
Căn cứ Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Tại đây
Nội dung hướng dẫn mới nhất về quyền nhân thân trong sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 14 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
Quyền nhân thân
1. Quyền đặt tên cho tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Việc đặt tên cho tác phẩm không được vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.
2. Quyền được nêu tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ áp dụng cả khi tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh. Khi công bố, sử dụng tác phẩm phái sinh phải nêu tên thật hoặc bút danh của tác giả của tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh.
3. Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc phát hành bản sao tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý đủ để công chúng tiếp cận được tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
Như vậy, việc áp dụng quyền nhân thân cho tác phẩm được xác định như sau:
(1) Quyền đặt tên cho tác phẩm
- Không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác;
- Không vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 như sau:
Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ
1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này.
2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
(2) Quyền được nêu tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm
- Đồng thời áp dụng khi tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh;
- Phải nêu tên thật hoặc bút danh của tác giả của tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh.
(3) Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm
Phát hành bản sao tác phẩm với số lượng hợp lý đủ để công chúng tiếp cận tác phẩm.
Thời hạn bảo hộ quyền nhân thân là bao lâu?
Căn cứ quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 như sau:
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.
2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:
a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả
Như vậy, thời hạn bảo hộ quyền nhân thân được xác định như sau:
- Đối với quyền đặt tên cho tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm:
Được bảo hộ vô thời hạn.
- Đối với quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm:
Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 nêu trên.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quyền nhân thân có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?
- Trình độ chuẩn với giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trường đại học? Chế độ bồi dưỡng giờ giảng đối với giảng viên?
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?