Hướng dẫn mới về việc xác định tuổi của người gây thiệt hại theo Bộ luật Dân sự được thực hiện như thế nào?
Cách xác định tuổi của người gây thiệt hại như thế nào?
Căn cứ theo nội dung Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, tại Điều 4 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP xác định tuổi của người gây thiệt hại được tính tại thời điểm gây thiệt hại. Trường hợp không xác định được chính xác tuổi của người gây thiệt hại thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định như sau:
- Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh
Ví dụ: Xác định được A sinh vào tháng 04 năm 2001 nhưng không biết rõ được ngày sinh thì lấy ngày, tháng, năm sinh của A là 30/04/2001;
- Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh
Ví dụ: Xác định được A sinh vào quý I năm 2001 nhưng không biết rõ được ngày, tháng sinh thì lấy ngày, tháng, năm sinh của A là 31/03/2001;
- Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh
Ví dụ: Xác định được A sinh vào khoảng đầu năm 2001 nhưng không biết rõ được ngày, tháng sinh thì lấy ngày, tháng, năm sinh của A là 30/06/2001;
- Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh
Ví dụ: Xác định được A sinh vào năm 2001 nhưng không biết rõ được ngày, tháng sinh thì lấy ngày, tháng, năm sinh của A là 31/12/2001.
- Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
- Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người gây thiệt hại thì Tòa án lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Ví dụ: Kết luận giám định M có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của M là 13 tuổi 6 tháng.
Như vậy, việc xác định tuổi của người gây thiệt hại được thực hiện theo hướng dẫn nêu trên.
Hướng dẫn mới về việc xác định tuổi của người gây thiệt hại theo Bộ luật Dân sự như thế nào? (Hình từ Internet)
Người dưới 15 tuổi thì có bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình không?
Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi gây ra sẽ thuộc về cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
Cụ thể:
- Cha, mẹ của người dưới 15 tuổi gây thiệt hại sẽ bồi thường bằng tài sản của mình. Người dưới 15 tuổi có thể sử dụng tài sản riêng của mình để bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường. Khi đó, người dưới 15 tuổi sẽ bồi thường tiếp phần còn thiếu;
- Người giám hộ của người dưới 15 tuổi gây thiệt hại sẽ bồi thường bằng tài sản của người gây thiệt hại. Trường hợp tài sản của người gây thiệt hại không đủ thì người giám hộ phải lấy tài sản riêng của mình để bồi thường, trừ trường hợp chứng minh được mình không có lỗi.
Như vậy, người dưới 15 tuổi gây thiệt hại sẽ bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình trong 02 trường hợp:
- Tài sản của cha, mẹ không đủ;
- Không có cha, mẹ nhưng có người giám hộ.
Người dưới 15 tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì bồi thường thế nào?
Vấn đề bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi trong thời gian trường học gây ra được quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý
1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.
Như vậy, dựa vào khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 2 Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên thì người dưới 15 tuổi trong thời gian trường học gây ra thiệt hại thì trường học trực tiếp quản lý phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Nếu trường hợp có thể chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý người gây ra thiệt hại thì cha, mẹ của người đó sẽ chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?
- Công dân được tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi đúng không?