Hướng dẫn thực hiện quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh theo quy định mới nhất như thế nào?
Tác phẩm điện ảnh là gì? Hiểu thế nào là quyền tác giả?
Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, tác phẩm điện ảnh được xác định là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
Theo đó, tại khoản 6 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hướng dẫn về tác phẩm điện ảnh như sau:
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
...
6. Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.
Tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.
Theo quy định trên, tác phẩm điện ảnh được hiểu là tác phẩm được tạo ra và biểu hiện bởi hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh, có âm thanh (hoặc không có âm thanh) và các hiệu ứng khác.
Về quyền tác giả, căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, có thể hiểu quyền tác giả là một quyền sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với những sản phẩm sáng tạo do mình tạo ra hoặc sở hữu. Tác phẩm sáng tạo được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Hướng dẫn thực hiện quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP ra sao?
Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh hiện nay được quy định ra sao?
Hiện nay, quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 như sau:
Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu
1. Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định như sau:
a) Biên kịch, đạo diễn được hưởng quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này;
b) Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng quyền quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này;
c) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản; có nghĩa vụ trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) theo hợp đồng với những người quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
d) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có thể thỏa thuận với những người quy định tại điểm a khoản này về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm;
đ) Trường hợp kịch bản, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của kịch bản, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.
Như vậy, quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được thực hiện theo quy định nêu trên.
Trường hợp tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với tác phẩm đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.
Hướng dẫn thực hiện quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP ra sao?
Căn cứ Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Tại đây
Tại Điều 10 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hướng dẫn thực hiện quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh như sau:
(1) Đối với quyền đứng tên trên tác phẩm điện ảnh
- Đối tượng được đứng tên trên tác phẩm điện ảnh, được nêu tên khi tác phẩm điện ảnh được công bố, sử dụng, bao gồm;
+ Biên kịch, đạo diễn;
+ Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh; (Có thể không nêu tên toàn bộ trong trường hợp bắt buộc do cách thức sử dụng tác phẩm điện ảnh).
- Trường hợp thỏa thuận đặt tên đối với tác phẩm điện ảnh độc lập: Biên kịch, đạo diễn không được lợi dụng quyền nhân thân của mình ngăn cản việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm phù hợp với các điều kiện về sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh.
(2) Phạm vi cấm sử dụng tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong tác phẩm điện ảnh chỉ có thể cấm hành vi xuyên tạc kịch bản, tác phẩm âm nhạc hoặc sửa đổi, cắt xén kịch bản, tác phẩm âm nhạc gây phương hại đến danh dự, uy tín của họ.
(3) Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh
Được hiểu là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn.
Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 4 năm 2023.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quyền tác giả có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?