Luật Biên phòng Việt Nam 2020 có hiệu lực từ ngày nào? Có bao nhiêu nhiệm vụ biên phòng theo Luật Biên phòng?
Luật Biên phòng Việt Nam 2020 có hiệu lực từ ngày nào?
Luật Biên phòng Việt Nam 2020 số 66/2020/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2020.
Về hiệu lực thi hành, căn cứ quy định tại Điều 36 Luật Biên phòng Việt Nam 2020 như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
2. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì Luật Biên phòng Việt Nam 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Luật Biên phòng Việt Nam 2020 có hiệu lực từ ngày nào? Có bao nhiêu nhiệm vụ biên phòng theo Luật Biên phòng? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu nhiệm vụ biên phòng theo Luật Biên phòng?
Căn cứ theo Điều 5 Luật Biên phòng Việt Nam 2020, có 07 nhiệm vụ biên phòng.
Cụ thể như sau:
Nhiệm vụ biên phòng
1. Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia.
2. Quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới.
3. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
4. Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới.
5. Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện biên giới, phòng thủ dân sự; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới.
6. Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài.
7. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang.
Như vậy, theo Luật Biên phòng Việt Nam hiện hành, có 07 nhiệm vụ nêu trên. Một trong số đó là nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới.
Nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng theo Luật Biên phòng Việt Nam 2020 là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật Biên phòng Việt Nam 2020, Bộ đội Biên phòng có các nhiệm vụ sau:
- Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để thực hiện nhiệm vụ và đề xuất với Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước ban hành, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về biên phòng.
- Tham mưu cho Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng.
- Thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về biên phòng.
- Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
- Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng; giải quyết sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở khu vực biên giới.
- Tham mưu, làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới; tham gia xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện biên giới, phòng thủ dân sự.
- Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, phương tiện dân sự để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
- Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh.
- Tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Luật Biên phòng Việt Nam có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Doanh nghiệp bảo hiểm muốn thay đổi mức vốn điều lệ cần phải có được sự đồng ý của cơ quan nào?
- Khi nào đảng viên phải chuyển sinh hoạt đảng chính thức, tạm thời? Hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng bao gồm gì?
- Nghĩa vụ quân sự 2025 chú trọng tuyển người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đúng không? Nghĩa vụ quân sự 2025 có mấy đợt tuyển quân?
- Cơ sở xây dựng kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Việc phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư chỉ được thực hiện khi nào?
- Biểu thuế nhập khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế được sửa đổi bởi Nghị định 144/2024 áp dụng từ 16 12 thế nào?