Mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm từ 15/11/2023? Có bao gồm cước phí dịch vụ bưu chính hay không?
Mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm từ 15/11/2023 ra sao? Có bao gồm cước phí dịch vụ bưu chính không?
Ngày 28/9/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 61/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.
> Tải Thông tư 61/2023/TT-BTC tại đây
Theo đó, mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định theo Biểu mức ban hành kèm theo Thông tư 61/2023/TT-BTC như sau:
Số TT | Nội dung | Mức thu |
1 | Đăng ký biện pháp bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm | 80.000 đồng/hồ sơ |
2 | Đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký | 60.000 đồng/hồ sơ |
3 | Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi thông báo xử lý tài sản bảo đảm | 30.000 đồng/hồ sơ |
4 | Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm | 20.000 đồng/hồ sơ |
5 | Cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm | 25.000 đồng/trường hợp |
Trong đó:
- Mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm không bao gồm cước phí dịch vụ bưu chính trong trường hợp kết quả đăng ký được chuyển, trả thông qua dịch vụ bưu chính.
- Tổ chức, cá nhân được đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện chi trả tiền sử dụng dịch vụ theo quy định tại Thông tư 101/2021/TT-BTC.
- Tổ chức, cá nhân được đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay thực hiện nộp phí theo quy định tại Thông tư 193/2016/TT-BTC.
- Quy định về mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm nêu trên không áp dụng đối với các trường hợp sau:
+ Cá nhân, hộ gia đình đăng ký biện pháp bảo đảm vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP.
+ Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 99/2022/NĐ-CP có yêu cầu xóa đăng ký hoặc yêu cầu rút bớt một, một số tài sản bảo đảm để xóa đăng ký đối với tài sản này.
+ Chỉnh lý thông tin có sai sót trong nội dung đã được đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký theo quy định tại Điều 19 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.
+ Xóa đăng ký theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 20 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.
+ Hủy đăng ký đối với các trường hợp quy định tại Điều 21 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.
+ Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm hoặc cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền quy định tại Điều 52 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.
Mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm từ 15/11/2023? Có bao gồm cước phí dịch vụ bưu chính hay không? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 99/2022/NĐ-CP như sau:
Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin
1. Người yêu cầu đăng ký phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin kê khai.
2. Cơ quan đăng ký phải thực hiện đúng thẩm quyền, nhiệm vụ, căn cứ, thủ tục và thời hạn; không làm phát sinh thủ tục khác với quy định của Nghị định này; không yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào hoặc không yêu cầu kê khai thêm bất cứ thông tin nào mà Nghị định này không quy định trong hồ sơ đăng ký; không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Cơ quan đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này.
Cơ quan đăng ký không phải chịu trách nhiệm về tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm; không phải chịu trách nhiệm về thực hiện đăng ký, hủy đăng ký, khôi phục việc đăng ký đã bị hủy theo nội dung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, của người có thẩm quyền; không phải chịu trách nhiệm về việc đã đăng ký đối với tài sản bảo đảm là tài sản có tranh chấp hoặc tài sản thi hành án dân sự nhưng trước hoặc tại thời điểm ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu, cơ quan đăng ký không nhận được văn bản thụ lý hoặc văn bản chứng minh việc cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết tranh chấp hoặc giải quyết thi hành án dân sự.
3. Việc đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển hoặc đối với tàu bay, tàu biển phải đảm bảo nội dung được kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận, thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký, trừ trường hợp tài sản được quy định tại khoản 5 Điều này, khoản 1, khoản 3 Điều 36 và Điều 37 Nghị định này.
4. Trường hợp đăng ký để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác hoặc đồng thời để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và của người khác thì bên bảo đảm phải là người có quyền sử dụng đất, quyền sử dụng khu vực biển hoặc là chủ sở hữu tài sản được dùng để bảo đảm, trừ trường hợp bảo lưu quyền sở hữu.
Việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản này là do bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm tự chịu trách nhiệm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự.
5. Trường hợp đăng ký đối với tài sản hình thành trong tương lai; tài sản gắn liền với đất mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu; tài sản là cây hằng năm, công trình tạm; động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung hoặc trường hợp đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm thì cơ quan đăng ký thực hiện việc đăng ký trên cơ sở thông tin được kê khai trên Phiếu yêu cầu đăng ký. Người yêu cầu đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tính chính xác của thông tin được kê khai trên Phiếu yêu cầu đăng ký.
6. Thông tin về biện pháp bảo đảm đã được đăng ký được cung cấp theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc đăng ký, cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo nguyên tắc nêu trên.
Khi nào Thông tư 61/2023/TT-BTC có hiệu lực?
Căn cứ quy định tại Điều 7 Thông tư 61/2023/TT-BTC như sau:
Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2023.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm và Thông tư số 113/2017/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.
...
Như vậy, Thông tư 61/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/11/2023. Thay thế Thông tư 202/2016/TT-BTC và Thông tư 113/2017/TT-BTC.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giao dịch bảo đảm có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người điều khiển ô tô có được dừng xe song song với xe khác không? Nếu không được thì có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?
- Phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn sử dụng đất mấy tháng? Thời hạn sử dụng đất đối với đất sử dụng có thời hạn là bao lâu?
- Cập nhật các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu mới nhất? Tải Luật thuế xuất nhập khẩu PDF hiện nay?