Nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện thiết bị phải loại bỏ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Tại sao phải loại bỏ phương tiện, thiết bị dưới mức hiệu suất năng lượng tối thiểu?
Căn cứ Điều 37 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 quy định các biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau đây đối với phương tiện, thiết bị mà Nhà nước hiện nay đang áp dụng bao gồm:
- Xây dựng và công bố tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng;
- Dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng;
- Công khai thông tin cần thiết về sử dụng năng lượng của phương tiện, thiết bị;
- Loại bỏ phương tiện, thiết bị dưới mức hiệu suất năng lượng tối thiểu;
- Xử lý các hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Theo đó, việc loại bỏ phương tiện, thiết bị dưới mức hiệu suất năng lượng tối thiểu được thực hiện nhằm mục đích quản lý việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần quan trọng cho việc đảm bảo, ổn định an ninh năng lượng.
Nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện thiết bị phải loại bỏ bị xử phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Phương tiện, thiết bị nào sử dụng năng lượng phải loại bỏ theo quy định hiện hành?
Căn cứ Điều 23 Nghị định 21/2011/NĐ-CP có quy định về phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ như sau:
Phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ
1. Căn cứ xác định phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện thiết bị phải loại bỏ bao gồm:
a) Không đạt các quy chuẩn an toàn của phương tiện, thiết bị.
b) Hiệu suất sử dụng năng lượng của phương tiện, thiết bị thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
c) Phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.
2. Mức hiệu suất năng lượng tối thiểu được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trong tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phương tiện thiết bị phải loại bỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
4. Nghiêm cấm việc nhập khẩu, lưu thông các phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện thiết bị phải loại bỏ.
Theo đó, dựa vào những yếu tố xác định nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có nhiệm vụ xác định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và Danh mục phương tiện thiết bị phải loại bỏ.
Về Danh mục phương tiện thiết bị có hiệu suất thấp phải loại bỏ, căn cứ quy định tại Điều 3 Quyết định 24/2018/QĐ-TTg, danh mục này bao gồm:
- Nhóm thiết bị gia dụng: Bóng đèn huỳnh quang compact, balát điện tử dùng cho bóng đèn huỳnh quang, balát điện từ dùng cho bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn huỳnh quang ống thẳng, quạt điện, tủ lạnh - tủ kết đông lạnh, máy điều hòa không khí không ống gió, máy giặt gia dụng, máy thu hình, nồi cơm điện và bình đun nước nóng có dự trữ.
- Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: Màn hình máy tính, máy photocopy, máy in và tủ giữ lạnh thương mại.
- Nhóm thiết bị công nghiệp: Động cơ điện không đồng bộ ba pha roto lồng sóc, máy biến áp phân phối, nồi hơi trong xí nghiệp công nghiệp.
Chi tiết về phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ được quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 24/2018/QĐ-TTg như sau:
Xem toàn bộ Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 24/2018/QĐ-TTg: Tại đây.
Nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ có thể bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ Điều 32 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 37 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) có quy định như sau:
Vi phạm các quy định về Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, phân phối các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện, thiết bị vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tái xuất phương tiện, thiết bị nhập khẩu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy phương tiện, thiết bị nhập khẩu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp không thể thực hiện được biện pháp buộc tái xuất quy định tại điểm b khoản này.
Theo đó, đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ, chủ thể thực hiện có thể bị xử phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong Nghị định này được áp dụng để xử phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức thì mức tiền phạt bằng 02 lần mức tiền phạt nêu trên.
Trần Thị Nguyệt Mai
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nhập khẩu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức quản lý kinh doanh nhà là tài sản công không sử dụng để ở phải thực hiện đánh giá lại hiện trạng nhà hàng năm đúng không?
- Đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng có phải làm kiểm điểm cuối năm không? Có được dự đại hội đảng viên?
- Mẫu Báo cáo tổng kết công tác thi đua khen thưởng trường mầm non cuối năm? Tải về file word mẫu báo cáo?
- Mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể ban thường vụ cấp ủy cơ sở mới nhất? Nơi không có ban thường vụ thì kiểm điểm ban chấp hành đúng không?
- Thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng sử dụng vốn đầu tư công không được vượt quá bao lâu?