Những điều cần biết về cán cân thanh toán quốc tế? Cơ cấu, nội dung chủ yếu của cán cân thanh toán quốc tế bao gồm những nội dung gì?
Cán cân thanh toán quốc tế là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 16/2014/NĐ-CP quy định về khái niệm cán cân thanh toán quốc tế cụ thể như sau:
Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (sau đây gọi tắt là cán cân thanh toán) là báo cáo thống kê tổng hợp các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú trong một thời kỳ nhất định.
Theo đó, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (hay cán cân thanh toán quốc tế) là báo cáo thống kê tổng hợp các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú trong một thời kỳ nhất định.
Trong đó:
- Người cư trú là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:
(1) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010;
(2) Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam;
(3) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;
(4) Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại (1), (2), (3);
(5) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;
(6) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại (4), (5) và cá nhân đi theo họ;
(7) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;
(8) Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường hợp không thuộc đối tượng người cư trú;
(9) Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.
- Người không cư trú là các đối tượng không thuộc các trường hợp của người cư trú.
Những điều cần biết về cán cân thanh toán quốc tế? Cơ cấu, nội dung chủ yếu của cán cân thanh toán quốc tế bao gồm những nội dung gì? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc lập cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam được quy định như thế nào?
Đối với quy định về nguyên tắc lập cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thì tại Điều 8 Nghị định 16/2014/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
- Phù hợp với thông lệ quốc tế về thống kê cán cân thanh toán và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
- Đơn vị tiền tệ lập cán cân thanh toán là đồng đôla Mỹ (USD).
- Tỷ giá quy đổi đồng Việt Nam (VND) sang USD là tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cuối kỳ báo cáo.
- Quy đổi các ngoại tệ không phải USD sang USD được thực hiện như sau:
+ Quy đổi ngoại tệ sang VND theo tỷ giá tính chéo của VND so với loại ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước công bố để tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu áp dụng trong kỳ báo cáo;
+ Sau khi quy đổi sang VND, việc quy đổi sang USD được thực hiện theo tỷ giá quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 16/2014/NĐ-CP.
- Thời điểm thống kê các giao dịch là thời điểm thay đổi quyền sở hữu giữa người cư trú và người không cư trú.
- Giá trị của giao dịch được xác định theo nguyên tắc thị trường tại thời điểm giao dịch.
Cơ cấu, nội dung chủ yếu của cán cân thanh toán quốc tế bao gồm những gì?
Tại Điều 13 Nghị định 16/2014/NĐ-CP quy định về cơ cấu, nội dung chủ yếu của cán cân thanh toán quốc tế cụ thể như sau:
- Cán cân thanh toán bao gồm các hạng mục chính như sau:
+ Cán cân vãng lai bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về hàng hóa, dịch vụ, thu nhập của người lao động, thu nhập từ đầu tư, chuyển giao vãng lai được quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 của Nghị định này;
+ Cán cân vốn bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về chuyển giao vốn được quy định tại Điều 18 của Nghị định này và mua, bán các tài sản phi tài chính, phi sản xuất của khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân;
+ Cán cân tài chính bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, giao dịch phái sinh tài chính, vay, trả nợ nước ngoài, tín dụng thương mại, tiền và tiền gửi được quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 của Nghị định này;
+ Lỗi và sai sót là phần chênh lệch giữa tổng của cán cân vãng lai, cán cân vốn, cán cân tài chính với cán cân thanh toán tổng thể;
+ Cán cân thanh toán tổng thể được xác định bằng thay đổi dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức do giao dịch tạo ra trong kỳ báo cáo.
- Nội dung chi tiết của các hạng mục thuộc cán cân thanh toán được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Quy định về hàng hóa, dịch vụ được thống kê trong cán cân thanh toán quốc tế?
Hàng hóa được thống kê trong cán cân thanh toán quốc tế
Tại Điều 14 Nghị định 16/2014/NĐ-CP quy định về hàng hóa được thống kê trong cán cân thanh toán quốc tế cụ thể như sau:
- Hàng hóa được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm tất cả các loại hàng hóa có sự thay đổi về quyền sở hữu giữa người cư trú và người không cư trú.
- Giao dịch về hàng hóa bao gồm xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu được định giá theo giá FOB tại cửa khẩu của nước xuất khẩu.
- Các trường hợp không được thống kê trong hạng mục hàng hóa gồm:
+ Hàng hóa chuyển qua biên giới nhưng không có sự thay đổi về quyền sở hữu giữa người cư trú và người không cư trú;
+ Vàng do Ngân hàng Nhà nước xuất, nhập khẩu phục vụ cho mục đích quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;
+ Hàng hóa do khách du lịch, người lao động là người không cư trú chi tiêu tại Việt Nam và khách du lịch, người lao động là người cư trú chi tiêu tại nước ngoài;
+ Hàng hóa bị tổn thất và bị trả lại;
+ Hàng hóa do các đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan quân sự nước ngoài tại Việt Nam nhập khẩu từ nước nguyên xứ để phục vụ cho hoạt động của các cơ quan đó;
+ Sách báo và tạp chí gửi định kỳ giữa người cư trú và người không cư trú.
Dịch vụ được thống kê trong cán cân thanh toán quốc tế
Đối với quy định về dịch vụ được thống kê trong cán cân thanh toán quốc tế thì tại Điều 15 Nghị định 16/2014/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
Dịch vụ được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm toàn bộ các giao dịch mua, bán, trao đổi giữa người cư trú và người không cư trú về các sản phẩm do hoạt động dịch vụ tạo ra trong lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, thông tin liên lạc, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, máy tính và thông tin, quyền sử dụng giấy phép, quyền sử dụng thương hiệu và bản quyền, dịch vụ cá nhân, văn hóa, giải trí, dịch vụ Chính phủ và dịch vụ logistic.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Nguyễn Khánh Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cán cân thanh toán có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?