Sổ kế toán là gì? Mở sổ kế toán như thế nào theo quy định mới nhất tại Thông tư 24/2024/TT-BTC?
Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 24/2024/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp trong đó có quy định về sổ kế toán.
Sổ kế toán là gì?
Căn cứ Điều 24 Luật Kế toán 2015, sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán.
Sổ kế toán gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.
Sổ kế toán phải ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; số trang; đóng dấu giáp lai.
Ngoài ra, Sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Ngày, tháng, năm ghi sổ;
- Số hiệu và ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ;
- Tóm tắt nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
- Số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán;
- Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.
Sổ kế toán là gì? Mở sổ kế toán như thế nào theo quy định mới nhất tại Thông tư 24/2024/TT-BTC? (Hình từ Internet)
Mở sổ kế toán như thế nào theo quy định mới nhất tại Thông tư 24/2024/TT-BTC?
Căn cứ khoản 6 Điều 6 Thông tư 24/2024/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định mở sổ kế toán như sau:
- Sổ kế toán phải được mở vào đầu kỳ kế toán năm hoặc ngay sau khi có quyết định thành lập đơn vị.
Sổ kế toán được mở đầu kỳ kế toán năm mới để chuyển thông tin, số liệu từ sổ kế toán năm cũ sang và ghi ngay nghiệp vụ kinh tế, tài chính mới phát sinh thuộc năm mới từ ngày 01/01 của năm tài chính, ngân sách mới.
Trên sổ kế toán của đơn vị kế toán phải thể hiện tên đơn vị kế toán lập sổ, tên sổ kế toán và ký hiệu sổ; ngày, tháng, năm lập sổ kế toán; phải có đầy đủ chữ ký của nhân viên kế toán lập sổ, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán của đơn vị.
Trên sổ kế toán của đơn vị hạch toán phụ thuộc phải thể hiện tên đơn vị, tên sổ kế toán và ký hiệu sổ; ngày, tháng, năm lập sổ kế toán; phải có đầy đủ chữ ký của người được giao làm công việc kế toán.
- Đối với các sổ kế toán tài khoản ngoài bảng theo dõi tiếp nhận và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp trong nước; kinh phí viện trợ nước ngoài, kinh phí vay nợ nước ngoài theo dự án; kinh phí từ tiền thu phí được khấu trừ, để lại và kinh phí từ hoạt động nghiệp vụ phải quyết toán số đã sử dụng theo mục lục ngân sách nhà nước, sau ngày 31/12 phải giữ nguyên số liệu thuộc năm trước để tiếp tục theo dõi, điều chỉnh số liệu trong thời gian quyết toán theo quy định.
Đơn vị mở sổ kế toán để hạch toán các phát sinh mới thuộc năm sau phù hợp với niên độ quyết toán theo quy định.
- Các thông tin, dữ liệu của sổ kế toán trên phần mềm kế toán phải đảm bảo đầy đủ các nội dung của sổ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và quy định tại Thông tư 24/2024/TT-BTC.
- Trường hợp mở sổ kế toán thủ công, đơn vị phải hoàn thiện thủ tục pháp lý của sổ kế toán như sau:
+ Sổ kế toán phải được đóng thành quyển, ngoài bìa (góc trên bên trái) phải ghi tên đơn vị ghi sổ kế toán, giữa bìa ghi tên sổ, ngày, tháng năm lập sổ, ngày, tháng, năm khoá sổ, họ tên và chữ ký của những người có liên quan theo quy định của pháp luật kế toán, đóng dấu; ngày, tháng, năm kết thúc ghi sổ hoặc ngày bàn giao sổ cho người khác.
+ Các trang sổ kế toán phải đánh số trang liên tục từ trang một (01) đến hết trang sổ cuối cùng, giữa hai trang sổ phải đóng dấu giáp lai của đơn vị.
Ghi sổ kế toán như thế nào theo quy định mới nhất tại Thông tư 24/2024/TT-BTC?
Căn cứ khoản 7 Điều 6 Thông tư 24/2024/TT-BTC, ghi sổ kế toán như sau:
- Việc ghi sổ kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán hoặc thông tin, dữ liệu chứng minh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; nội dung ghi sổ phải chính xác, trung thực; tài khoản sử dụng trong hạch toán kế toán phải phù hợp với nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; số liệu trình bày trên sổ kế toán phải đảm bảo rõ ràng, liên tục theo thời gian, thông tin được hiển thị đầy đủ, có hệ thống; không được viết tắt, không được bỏ cách dòng.
- Đơn vị phải mở đầy đủ sổ kế toán.
Việc ghi sổ kế toán phải thực hiện theo trình tự ghi sổ, thể hiện đầy đủ các thông tin tối thiểu cần phải có đối với từng sổ kế toán theo quy định tại Phụ lục II “Hệ thống sổ kế toán” kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BTC.
- Trường hợp ghi sổ kế toán thủ công, phải dùng mực không phai, không dùng mực đỏ, bút chì để ghi sổ kế toán.
Khi ghi hết trang sổ phải cộng số liệu của từng trang để mang số cộng trang trước sang đầu trang kế tiếp, không được ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới.
Nếu không ghi hết trang sổ phải gạch chéo phần không ghi, không tẩy xoá thông tin đã ghi sổ kế toán.
Thông tư 24/2024/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và áp dụng từ năm tài chính 2025.
Các văn bản mà Thông tư 24/2024/TT-BTC dẫn chiếu đến có bổ sung, sửa đổi, thay thế thì thực hiện theo văn bản mới đang có hiệu lực thi hành.
Phan Thị Phương Hồng
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Sổ kế toán có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu hợp đồng giao khoán của hợp tác xã mới nhất? Hợp tác xã có được tự thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán không?
- Lịch đi nghĩa vụ quân sự năm 2025 chính thức thế nào? Chế độ báo cáo về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025?
- Mua trả chậm và mua trả góp khác nhau thế nào? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi không thanh toán đúng hạn?
- Nhà nước có hỗ trợ hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hay không?
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?