Thi tuyển viên chức: Người thuộc nhiều diện ưu tiên thì được cộng tối đa bao nhiêu điểm theo quy định?
- Người thuộc nhiều diện ưu tiên khi thi tuyển viên chức thì được cộng tối đa bao nhiêu điểm?
- Cách xác định kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức như thế nào đối với người thuộc diện ưu tiên?
- Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức hiện nay là gì? Đơn vị tuyển dụng có thể bổ sung thêm điều kiện khác không?
Người thuộc nhiều diện ưu tiên khi thi tuyển viên chức thì được cộng tối đa bao nhiêu điểm?
Căn cứ Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện thành lập theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Ưu tiên trong tuyển dụng viên chức
1. Đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển:
a) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
b) Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
c) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
2. Trường hợp người dự thi tuyển hoặc dự xét tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều này thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được trích dẫn thì khi thi tuyển viên chức, trong trường hợp người dự tuyển thuộc nhiều đối tượng ưu tiên chỉ được cộng điểm 01 lần với điểm ưu tiên cao nhất.
Như vậy, điểm cộng tối đa khi thi tuyển viên chức là điểm cộng của diện ưu tiên cao nhất.
Thi tuyển viên chức: Người thuộc nhiều diện ưu tiên thì được cộng tối đa bao nhiêu điểm theo quy định? (Hình từ Internet)
Cách xác định kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức như thế nào đối với người thuộc diện ưu tiên?
Căn cứ quy định về việc xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức tại Điều 10 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Đối với trường hợp thuộc diện ưu tiên được cộng điểm, người trúng tuyển là người có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
- Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển;
- Nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.
Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức hiện nay là gì? Đơn vị tuyển dụng có thể bổ sung thêm điều kiện khác không?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức như sau:
Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức
1. Điều kiện đăng ký dự tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Viên chức. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.
Theo đó, dẫn chiếu đến Điều 22 Luật Viên chức 2010, người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:
- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
- Từ đủ 18 tuổi trở lên.
(Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật);
- Có đơn đăng ký dự tuyển;
- Có lý lịch rõ ràng;
- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
- Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
- Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, đơn vị tuyển dụng viên chức có quyền bổ sung thêm các điều kiện tuyển dụng khác. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo các điều kiện này không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thi tuyển viên chức có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?
- Có phải đăng ký biến động đất đai khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất? Nếu có thì đăng ký biến động đất đai ở đâu?
- Quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC của doanh nghiệp mua bán vàng miếng như thế nào?