Thời gian khai nộp khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay được quy định như thế nào?
- Thời gian khai nộp khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn tại Thông tư 57/2022/TT-BTC?
- Tổng hợp mẫu tờ khai đối với các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập?
- Xử lý các khoản phải thu về Quỹ phát sinh trước thời điểm Nghị định 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành như thế nào?
Thời gian khai nộp khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn tại Thông tư 57/2022/TT-BTC?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 57/2022/TT-BTC, thời gian khai nộp 07 khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
* Tiền thu từ bán đấu giá công khai ra công chúng:
Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp tiền của nhà đầu tư tham gia cuộc đấu giá, Tổ chức thực hiện bán đấu giá có trách nhiệm khai, nộp số tiền thu từ bán cổ phần theo quy định.
* Tiền thu từ bán đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược:
Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp tiền của nhà đầu tư tham gia cuộc đấu giá, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm khai, nộp số tiền thu từ bán cổ phần theo quy định.
* Tiền thu từ bảo lãnh phát hành:
Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày hoàn tất việc mua bán cổ phần theo hợp đồng bảo lãnh, tổ chức bảo lãnh phát hành có trách nhiệm khai, nộp số tiền thu từ bán cổ phần theo quy định.
* Tiền thu từ bán thỏa thuận cho các nhà đầu tư, bán cổ phần ưu đãi cho tổ chức công đoàn, người lao động và người quản lý doanh nghiệp:
Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp tiền, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập khai, nộp tiền thu từ bán cổ phần vào ngân sách nhà nước theo quy định.
* Tiền thu từ bán cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa theo phương thức dựng số:
Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần của nhà đầu tư, tổ chức quản lý sổ lệnh có trách nhiệm khai, nộp số tiền thu từ bán cổ phần theo quy định.
* Tiền thu từ cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần:
Trong thời hạn chín mươi (90) ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa có trách nhiệm tự xác định số tiền thu từ cổ phần hóa phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày có quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa có trách nhiệm khai, nộp khoản chênh lệch tăng thêm so với số đã nộp (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quy định.
* Các khoản thu khác:
- Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày hết thời hạn bảo hành theo hợp đồng doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm khai, nộp toàn bộ số dư dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng (đối với các hợp đồng đã ký, thời gian bảo hành còn hiệu lực sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) không chi hết vào ngân sách nhà nước quy định.
- Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản, DATC có trách nhiệm khai, nộp các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước quy định.
- Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày thu hồi được nợ, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông quy định.
Xem chi tiết nội dung thời hạn khai nộp khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tại: Khoản 1 Điều 7 Thông tư 57/2022/TT-BTC.
Thời gian khai nộp khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay được quy định như thế nào?
Tổng hợp mẫu tờ khai đối với các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 57/2022/TT-BTC thì sẽ có những khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
- Tiền thu từ bán đấu giá công khai ra công chúng
- Tiền thu từ bán đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược
- Tiền thu từ bảo lãnh phát hành
- Tiền thu từ bán thỏa thuận cho các nhà đầu tư, bán cổ phần ưu đãi cho tổ chức công đoàn, người lao động và người quản lý doanh nghiệp
- Tiền thu từ bán cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa theo phương thức dựng sổ
- Tiền thu từ cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần
- Các khoản thu khác
Theo như quy định thì các khoản thu này khi nộp vào ngân sách nhà nước sẽ được nộp kèm theo tờ khai số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập - mẫu số 01/CPH ban hành kèm theo Thông tư 57/2022/TT-BTC.
Tải mẫu tờ khai số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập - mẫu số 01/CPH: Tại đây.
Xử lý các khoản phải thu về Quỹ phát sinh trước thời điểm Nghị định 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 57/2022/TT-BTC quy định như sau:
Xử lý các khoản phải thu về Quỹ phát sinh trước thời điểm Nghị định số 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành
1, Thu vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương các khoản thu quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP.
2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương chịu trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ (bao gồm nợ gốc và lãi chậm nộp) đối với tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương quyết định hoặc được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức thực hiện chuyển đổi sở hữu, chuyển nhượng vốn và có văn bản thông báo gửi Bộ Tài chính để thu vào ngân sách trung ương theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP.
Các khoản phải thu về Quỹ bao gồm cả khoản phải thu tại doanh nghiệp đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước, doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC (bao gồm cả các doanh nghiệp SCIC đã thoải hết vốn).
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ (bao gồm nợ gốc và lãi chậm nộp) đối với tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển đổi sở hữu, chuyển nhượng vốn để thu vào ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP.
Các khoản phải thu về Quỹ bao gồm cả khoản phải thu tại doanh nghiệp đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước, doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC (bao gồm cả các doanh nghiệp SCIC đã hết thoái vốn) và các khoản phải nộp về Quỹ nhưng doanh nghiệp hoặc địa phương chưa nộp về Quỹ theo quy định.
4. Đối với các doanh nghiệp đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC (bao gồm cả các doanh nghiệp SCIC đã thoái hết vốn), SCIC có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này trong việc rà soát, cung cấp các hồ sơ có liên quan đến các khoản phải thu về Quỹ phát sinh trước thời điểm Nghị định số 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành;
b) Chỉ đạo người đại diện phần vốn của SCIC đề nghị doanh nghiệp hoặc trực tiếp đề nghị doanh nghiệp (đối với các doanh nghiệp đã thoái hết vốn) nộp các khoản phải thu về Quỹ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này về ngân sách nhà nước.
5. Các khoản phải thu về Quỹ của các doanh nghiệp đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC xử lý như sau:
a) Thu vào ngân sách trung ương đối với khoản nợ gốc và nợ lãi chậm nộp sau khi được miễn nợ lãi (nếu có) của doanh nghiệp thuộc trung ương đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC.
b) Thu vào ngân sách địa phương đối với các khoản nợ gốc và nợ lãi chậm nộp sau khi được miễn nợ lãi (nếu có) của doanh nghiệp thuộc địa phương đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC.
6. Các khoản đã tạm ứng từ Quỹ cho hoạt động chuyển nhượng vốn theo quy định tại điểm đ khoản 19 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP trước ngày 01/4/2022 xác định là các khoản chi Quỹ, cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ quyết toán tiền thu từ chuyển nhượng vốn xử lý như sau:
a) Trường hợp số tiền thu từ chuyển nhượng vốn và khoản đã tạm ứng chi phí chuyển nhượng vốn cao hơn chi phí hợp lý thực tế liên quan đến chuyển nhượng vốn thì thực hiện quyết toán và nộp khoản chênh lệch về ngân sách nhà nước.
b) Trường hợp số tiền thu từ chuyển nhượng vốn và khoản tạm ứng chi phí chuyển nhượng vốn thấp hơn chi phí hợp lý thực tế liên quan đến chuyển nhượng vốn thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản đề nghị cấp bổ sung phần chênh lệch còn thiếu từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, việc xử lý các khoản phải thu về Quỹ phát sinh trước thời điểm Nghị định 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định trên.
Thông tư 57/2022/TT-BTC có hiệu từ ngày 31/10/2022.
Trịnh Ngọc Diệp
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cổ phần hóa có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hành lý sẽ được thanh lý trong trường hợp nào? Thủ tục thanh lý hành lý được thực hiện như thế nào?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú với đảng viên là cán bộ công chức viên chức đi học tập trung 12 tháng trong năm?
- Anh em họ hàng chung sống với nhau như vợ chồng bị phạt bao nhiêu? Giải quyết hậu quả việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thế nào?
- Mẫu Bản kiểm điểm Đảng viên của Bí thư đảng đoàn mới nhất? Tải mẫu ở đâu? Nội dung kiểm điểm của Bí thư đảng đoàn?
- Kỳ kế toán năm đầu tiên ngắn hơn 90 ngày thì có được cộng qua năm sau để tính thành một kỳ kế toán năm không?