Vợ chồng có được lập di chúc chung không? Muốn sửa đổi di chúc chung sau khi một người chết trước có được không?
Vợ chồng có được lập di chúc chung không?
Trước đây, Bộ luật Dân sự 2005 có quy định cụ thể cho phép vợ chồng lập di chúc chung tại các Điều 663 và Điều 668 như sau:
Điều 663. Di chúc chung của vợ, chồng
Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.
Điều 668. Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng
Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.
Tuy nhiên, đến Bộ luật Dân sự 2015, quy định về lập di chúc chung của vợ chồng đã không còn được đề cập đến. Mà quy định về việc lập di chúc như sau, căn cứ Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015:
Di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Và ngoài ra hiện nay pháp luật về dân sự không có quy định nào cấm vợ chồng lập di chúc chung. Do đó, việc lập di chúc chung hay riêng của vợ và chồng tùy thuộc vào ý chí của mỗi cá nhân.
Như vậy, vợ chồng vẫn có thể lập di chúc chung. Bản di chúc này vẫn có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn các điều kiện tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015:
Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Vợ chồng có được lập di chúc chung không? Muốn sửa đổi di chúc chung sau khi một người chết trước có được không? (Hình từ Internet)
Muốn sửa đổi di chúc chung sau khi một người chết trước có được không?
Về vấn đề sửa đổi di chúc chung của vợ chồng, trước đây Điều 664 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định cụ thể vấn đề này như sau:
Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng
1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.
2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Còn tại Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc, nhưng không đề cập cụ thể đến trường hợp di chúc chung của vợ chồng, cụ thể như sau:
Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Theo đó, trường hợp vợ hoặc chồng lập di chúc chung đã chết, người còn sống vẫn có thể sửa đổi di chúc đó. Tuy nhiên, người này chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình mà không có quyền thay đổi phần di chúc cũng người đã chết.
Di chúc chung của vợ chồng khi nào thì phát sinh hiệu lực?
Khác với Bộ luật Dân sự 2005 quy định di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, căn cứ khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, hiện nay pháp luật quy định di chúc chung của vợ chồng sẽ có hiệu lực một phần khi một trong hai bên mất. Phần di chúc có hiệu lực là phần di chúc liên quan đến di sản của người đã chết. Còn phần di chúc còn lại chưa phát sinh hiệu lực. Trường hợp cả hai cùng chết, di chúc sẽ có hiệu lực toàn bộ.
Trần Thị Nguyệt Mai
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Di chúc có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai?
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?