Thực phẩm nào cũng đều bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng? Không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng theo quy định thì có bị phạt không?
- Có phải thực phẩm nào cũng đều bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng hay không?
- Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng hay không?
- Không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng theo quy định thì có bị phạt không?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng theo quy định là bao lâu?
Có phải thực phẩm nào cũng đều bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng hay không?
Căn cứ theo quy định tại quy định tại Điều 6 Nghị định 09/2016/NĐ-CP như sau:
Thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng
1. Các thực phẩm sau đây bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng tương ứng:
a) Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt;
b) Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm;
c) Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.
2. Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phải phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Theo đó, không phải thực phẩm nào cũng đều bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng. Mà chỉ có các thực phẩm sau đây bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng tương ứng như sau:
- Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt;
- Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm;
- Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.
Thực phẩm nào cũng đều bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng? (Hình từ internet)
Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng hay không?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm
...
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất;
b) Tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng mà thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng;
c) Thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn, bao bì, trong tài liệu kèm theo thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
d) Thiết lập quy trình tự kiểm tra trong quá trình sản xuất thực phẩm;
...
Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng mà thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nếu tổ chức, cá nhân không tuân thủ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng theo quy định thì có bị phạt không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 115/2018/NĐ-CP về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm như sau:
Vi phạm quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng thuộc danh mục bắt buộc phải tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm; hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, hành vi không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm; hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm nói trên.
*Lưu ý: Mức phạt tiền được quy định ở trên là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Nếu tổ chức có cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng theo quy định là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành vi không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng theo quy định là 01 năm.
Trương Thị Mỹ Tiên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tăng cường vi chất dinh dưỡng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?