Tiền gửi ngoại tệ có được xem là dự trữ ngoại hối nhà nước không? Tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước được quy định như thế nào?
Tiền gửi ngoại tệ được xem là một khoản dự trữ ngoại hối nhà nước hay không?
Tiền gửi ngoại tệ có được xem là dự trữ ngoại hối nhà nước không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 50/2014/NĐ-CP, dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bao gồm những khoản sau đây:
- Dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức (sau đây gọi là dự trữ ngoại hối chính thức) là phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý;
- Tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) và Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước;
- Các nguồn ngoại hối khác.
Bên cạnh đó, Điều 4 Nghị định 50/2014/NĐ-CP còn quy định các thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm:
- Ngoại tệ tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài.
- Chứng khoán và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành.
- Quyền rút vốn đặc biệt, dự trữ tại Quỹ tiền tệ quốc tế.
- Vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý.
- Các loại ngoại hối khác của Nhà nước.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước được xem là một khoản dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước được quy định như thế nào?
Nghị định 50/2014/NĐ-CP quy định rõ những vấn đề trên như sau:
(1) Đối với tiêu chuẩn đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước: bao gồm mức xếp hạng tín nhiệm của đối tác được phép đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước, loại chứng khoán, giấy tờ có giá được phép đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 50/2014/NĐ-CP
(2) Đối với hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước: là mức ngoại hối tối đa được phép đầu tư theo đối tác và hình thức đầu tư do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 50/2014/NĐ-CP
(3) Quy định về cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước: quy định tại Điều 6 Nghị định 50/2014/NĐ-CP như sau:
- Ngân hàng Nhà nước quy định cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm:
+ Quy định về tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư áp dụng với dự trữ ngoại hối nhà nước;
+ Quy định về cơ cấu đầu tư áp dụng với dự trữ ngoại hối chính thức, bao gồm cơ cấu đầu tư của Quỹ dự trữ ngoại hối và cơ cấu đầu tư của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng.
- Cơ sở xây dựng cơ cấu đầu tư của Quỹ dự trữ ngoại hối:
+ Xu hướng biến động tỷ giá, lãi suất và giá vàng trên thị trường quốc tế;
+ Tình hình đầu tư vào các loại ngoại tệ và vàng trong dự trữ quốc tế của các nước trên thế giới theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế.
- Cơ sở xây dựng cơ cấu đầu tư của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng:
+ Mục tiêu chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá và giá vàng;
+ Tình hình biến động tỷ giá và giá vàng trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế;
+ Tình hình sử dụng các loại ngoại tệ trong thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và trả nợ nước ngoài của Việt Nam;
+ Hạn mức ngoại hối của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong từng thời kỳ.
- Cơ sở xây dựng tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư:
+ Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước;
+ Dự báo diễn biến tình hình thị trường tài chính quốc tế và thị trường ngoại hối trong nước;
+ Hệ thống xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới.
- Định kỳ 6 tháng và khi cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định phê duyệt cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Tài chính để phối hợp.
Có thể thấy, đối với từng cơ sở khác nhau, Nhà nước quy định về tiêu chuẩn, hạn mức và cơ cấu đầu tư cũng tương ứng có sự khác nhau.
Dự trữ ngoại hối nhà nước được hình thành từ những nguồn nào?
Các nguồn hình thành dự trữ ngoại hối nhà nước được quy định tại Điều 5 Nghị định 50/2014/NĐ-CP gồm:
- Ngoại hối mua từ ngân sách nhà nước và thị trường ngoại hối.
- Ngoại hối từ các khoản vay ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế.
- Ngoại hối từ tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
- Ngoại hối mua từ các khoản sinh lời từ đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước.
- Ngoại hối từ các nguồn khác.
Loại ngoại tệ nào được phép đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước?
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 50/2014/NĐ-CP, ngoại tệ được phép đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước là ngoại tệ tự do chuyển đổi và ngoại tệ khác theo cam kết tại các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương và đa phương do Ngân hàng Nhà nước ký kết với các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính quốc tế.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, dự trữ ngoại hối nhà nước được hình thành từ những nguồn cụ thể, trong đó, tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước cũng được xem là một phần của dự trữ ngoại hối nhà nước. Các quy định về tiêu chuẩn, hạn mức đối với hoạt động đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước được cụ thể hóa để các cơ quan có liên quan có thể áp dụng.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Dự trữ ngoại hối có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?